Bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo và dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện; nhận thức về công tác trẻ em của các cấp, các ngành, toàn xã hội được quan tâm và ngày càng nâng cao; các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn; những vấn đề phát sinh về trẻ em được chú trọng giải quyết.

Tuy nhiên, một số vấn đề về trẻ em vẫn tồn tại và ngày càng diễn biến phức tạp, như: bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, an toàn vệ sinh trong trường học, lạm dụng sức lao động trẻ em ở một số ngành, nghề, lĩnh vực, nhất là những nguy cơ với nhóm trẻ em yếu thế. Nhiều vụ việc trẻ em bị đánh đập, bị xâm hại tình dục, bị mua bán, bỏ rơi, được phản ánh trên báo chí truyền thông, trên mạng xã hội, cũng cho thấy, những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ xâm hại trẻ em…

Trước thực tế đó, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đã dành riêng một ngày họp phiên toàn thể trực tuyến tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ngày 26-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các cấp phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em chết do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm “đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm”…

Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát động, bắt đầu từ hôm nay nhằm kêu gọi toàn xã hội hành động nỗ lực ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em.

Có thể nói, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, để xây dựng một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em phát triển, ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em, chúng ta cần tập trung trước hết vào môi trường gia đình và môi trường giáo dục trong nhà trường. Trong đó cần tập trung vào giải pháp trong giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, nhất là đối với nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại. Việc xây dựng được môi trường gia đình vững chắc và môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn để trẻ em được trang bị kiến thức kỹ năng và có ý thức tự bảo vệ mình sẽ ngăn chặn được các nguy cơ xâm hại từ môi trường xã hội.