Bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho dịp Tết Nguyên đán

Chưa đầy hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm. Do vậy, các đối tượng xấu đã bắt đầu sản xuất các loại thực phẩm từ nguồn nguyên liệu không bảo đảm; trà trộn, đưa các loại thực phẩm chất lượng kém vào tiêu thụ, nhất là đưa vào các chợ đầu mối, thị trường khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để thu lợi bất chính.

Theo số liệu báo cáo của các tỉnh, thành phố, trong các đợt kiểm tra Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Tháng hành động về ATTP năm 2019, các cơ quan chức năng trên cả nước đã kiểm tra hơn 347 nghìn cơ sở, phát hiện gần 57 nghìn cơ sở vi phạm về ATTP, trong đó phạt gần 8.500 cơ sở với số tiền gần 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 56 nghìn cơ sở (chủ yếu tập trung tại tuyến xã, phường) vi phạm không bị xử lý, mà chỉ bị nhắc nhở, khiến cho tình trạng vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP tại khu vực này vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là khi "thiếu vắng" các đợt thanh tra, kiểm tra của chính quyền, các cơ quan chức năng. Không ít địa phương coi ATTP là câu chuyện riêng của ngành y tế, hay chưa gắn trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra tình trạng vi phạm ATTP, các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn...

Ðể bảo đảm an toàn về thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đồng thời bảo đảm phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, ngay từ bây giờ UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết. Trong đó chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm ATTP. Các đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Các địa phương cần đẩy mạnh các chương trình giám sát ATTP từ nay đến Tết Nguyên đán, trong đó tập trung vào các vấn đề: sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm; vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là tại các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm trọng điểm. Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP, vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm. Mặt khác, chú trọng các biện pháp phòng, chống ngộ độc do sử dụng rượu không bảo đảm ATTP, lạm dụng rượu trong dịp Tết Nguyên đán. Ðồng thời, công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng...