Bảo đảm đồng bộ công tác kiểm tra sau thông quan

Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) là hoạt động quan trọng của ngành hải quan, nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước.

Từ đầu năm đến ngày 30-6-2019, toàn ngành hải quan đã KTSTQ 1.714 cuộc, tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 838 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách (bao gồm từ năm 2018 chuyển sang) là 927,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục KTSTQ (Tổng cục Hải quan) đã thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, triển khai KTSTQ thí điểm đối với các doanh nghiệp thuộc các chuyên đề về nâng cao công tác chống gian lận thương mại, qua đó phát hiện nhiều vi phạm và ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính, phạt chậm nộp hơn 12 tỷ đồng, chuyển thông tin các doanh nghiệp này cho cục hải quan các địa phương tiếp tục theo dõi, phân tích để thực hiện KTSTQ.

Ðại diện Cục KTSTQ cho biết, hoạt động KTSTQ tại các chi cục hải quan tuy đạt những kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong đó, có việc bố trí cán bộ làm công tác KTSTQ chưa đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc vì chủ yếu kiêm nhiệm, dẫn đến không đủ nguồn lực thực hiện công tác KTSTQ. Một số đơn vị chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác KTSTQ, tiến độ triển khai chậm, hiệu quả chưa cao; tại một số nơi hiệu quả số thu trên số cuộc KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan thấp, như các Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Hà Nam Ninh... hay số thu qua KTSTQ chưa tương xứng với nguồn lực, như Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh có tổng số thực thu qua KTSTQ là 81 tỷ đồng (bằng 70% so cùng kỳ năm 2018), Hải Phòng là 71 tỷ đồng (bằng 42%)…

Hiện, chưa có sự kết nối thông tin giữa cơ quan hải quan, thuế và các cơ quan liên quan khác, dẫn đến vướng mắc là, nhiều cuộc kiểm tra sau khi thu thập thông tin, ban hành quyết định kiểm tra, khi đến doanh nghiệp thì được phản hồi đang có đơn vị khác kiểm tra, cơ quan hải quan buộc phải dừng, hủy quyết định KTSTQ. Bên cạnh đó, thông tin thu thập phục vụ KTSTQ từ hệ thống của ngành hay xảy ra lỗi, số liệu không chính xác... khiến hoạt động thu thập thông tin thiếu chủ động. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng hạn chế, nhất là chưa có hệ thống phần mềm, bộ tiêu chí rủi ro để lựa chọn doanh nghiệp kiểm tra đánh giá tuân thủ pháp luật, kiểm tra theo dấu hiệu.

Thời gian tới, công tác kiểm tra hải quan được chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, bảo đảm sự đồng bộ trong kiểm soát các khâu trước, trong và sau thông quan nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu mà vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước. Do đó, ngành hải quan cần đẩy mạnh triển khai hoạt động KTSTQ cả về số lượng, chất lượng trên cơ sở áp dụng đầy đủ mô hình quản lý tuân thủ, kỹ thuật quản lý rủi ro, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, thực hiện kiểm toán hải quan. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy trình thực hiện KTSTQ thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý rủi ro và phù hợp chuẩn mực quốc tế.

Những tháng cuối năm nay, toàn ngành cần tăng cường thu thập, phân tích thông tin, rà soát (trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro) các doanh nghiệp trọng điểm, địa bàn trọng điểm; các lô hàng có dấu hiệu rủi ro cao, các trường hợp nghi ngờ về mã số, trị giá, C/O... các trường hợp khai sai mức thuế, thuế suất tại các biểu thuế, các trường hợp miễn thuế, hoàn thuế không đúng quy định... để thực hiện KTSTQ, chú trọng kiểm tra, đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan. Tiếp tục triển khai các chuyên đề KTSTQ, nhất là triển khai chuyên đề chống gian lận xuất xứ, giả nhãn mác hàng hóa và chuyển tải bất hợp pháp, góp phần hỗ trợ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, rà soát các khoản nợ thuế phát sinh do ấn định thuế theo các quyết định KTSTQ để đôn đốc, thu hồi nợ thuế, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định pháp luật; chỉ đạo cập nhật kịp thời các quyết định ấn định thuế, phạt vi phạm hành chính vào hệ thống kế toán thuế tập trung để quản lý, theo dõi các khoản phải thu, tránh bỏ sót, bỏ lọt.