Bảo đảm cuộc bầu cử an toàn trước dịch bệnh

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, một trong những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước sẽ diễn ra, đó là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (ngày 23-5). Hiện các cơ quan tổ chức bầu cử, cả hệ thống chính trị và toàn dân đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, công khai, minh bạch, đạt kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương. Chính vì vậy, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, tổ chức liên quan và chính quyền các địa phương tập trung tổ chức thành công cuộc bầu cử, bảo đảm an toàn tuyệt đối về an ninh, trật tự, nhất là chống dịch Covid-19...

Ðể đạt được mục tiêu đó, trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố là rất lớn. Theo đó, UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện tốt Công điện của Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, thủ trưởng các đơn vị tổ chức rà soát và thường xuyên cập nhật dự báo tình hình dịch của địa phương; bổ sung các phương án, giải pháp phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng kịp thời ứng phó các tình huống phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ bầu cử. Các địa phương bổ sung phương án, kế hoạch bầu cử cho cử tri đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, đang được cách ly và đang điều trị bệnh. Riêng tại các địa phương đang phát hiện ca nhiễm, mỗi điểm bầu cử phải bố trí một khu vực cách ly tạm thời dành cho người nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Ðồng thời, bảo đảm giãn cách và thực hiện giãn cách, tuân thủ 5K tại khu vực tổ chức bầu cử; không để những người có biểu hiện ho, sốt hoặc nghi nhiễm hoặc nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 tham gia Tổ bầu cử và hoạt động bầu cử…

Với tinh thần bảo đảm tuyệt đối an toàn cho ngày bầu cử, toàn bộ hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương cần quán triệt sâu sắc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nghiêm túc thực hiện các chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý. Thường xuyên đánh giá các tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, công sở, bảo đảm không để lây nhiễm trong các cơ quan, đơn vị. Căn cứ tình hình dịch bệnh biến động hằng ngày chuẩn bị kịch bản cho các tình huống, kịp thời điều chỉnh phương án nhân sự, quy trình phòng dịch, bảo đảm linh hoạt, sáng tạo, đúng quy định, sẵn sàng trong mọi tình huống có thể xảy ra…

Ngành y tế các tỉnh, thành phố, nhất là địa phương ghi nhận các ca mắc Covid-19 cần tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ truy vết, xét nghiệm. Trong đó, cần chú trọng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại đơn vị sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, bến tàu, bến xe và trong cộng đồng một cách thường xuyên và liên tục. Mặt khác, yêu cầu người dân, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đang ở nơi cư trú, tạm trú phải ký cam kết với chính quyền địa phương về phòng, chống dịch Covid-19. Các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức hướng dẫn các đơn vị phục vụ bầu cử thực hiện thuần thục việc đo thân nhiệt, phân luồng cử tri, sát khuẩn tay trước và sau khi viết, bỏ phiếu bầu; thường xuyên vệ sinh môi trường, khử khuẩn bề mặt, vệ sinh ngoại cảnh tại các địa điểm tổ chức bầu cử…

Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, sự nỗ lực của toàn ngành y tế, mỗi người dân cần nêu cao trách nhiệm công dân, tham gia bầu cử đầy đủ nhưng cũng cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 mà ngành y tế đề ra, trong đó, thực hiện nghiêm túc và triệt để thông điệp 5K. Có như vậy mới góp phần đạt mục tiêu bảo đảm cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra thành công và an toàn.