Bảo đảm chất lượng từ tuyển sinh đến đào tạo

Đến 17 giờ ngày 5-10, các trường đại học trên cả nước đã cơ bản hoàn tất việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy đợt một năm 2020 bằng phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Mặc dù công tác xét tuyển bước đầu đạt kết quả tích cực nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 cho nên thời gian hoàn thành tuyển sinh chậm hơn những năm trước. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), năm 2020 có 642.945 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với tổng số 2.494.210 nguyện vọng. Tổng số mã đơn vị tuyển sinh (trường, phân hiệu, cơ sở đào tạo) là 324 với tổng số 567.929 chỉ tiêu; trong đó có 351.849 chỉ tiêu xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Để công tác xét tuyển đạt hiệu quả, thí sinh được đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi. Sau khi có điểm thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng để phù hợp với kết quả thi, các điều kiện tuyển sinh, nâng cao khả năng trúng tuyển vào các ngành nghề theo nguyện vọng, sở trường.

Đáng chú ý, để hạn chế tình trạng thí sinh ảo, Bộ GD và ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường trong công tác xét tuyển và lọc ảo. Phần mềm xét tuyển và lọc ảo cơ bản được giữ ổn định như năm 2019, nhưng đã được rà soát và bổ sung chức năng để các trường có thể quy đổi điểm thi đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ thay thế… Ngoài ra, các cơ sở đào tạo đã hình thành hai nhóm xét tuyển (nhóm xét tuyển miền nam, nhóm xét tuyển miền bắc) để sử dụng chung nguồn tuyển và cơ sở dữ liệu tuyển sinh chứ không xét tuyển độc lập từng trường nhằm hạn chế tình trạng thí sinh ảo. Vì vậy, phương thức tuyển sinh năm 2020 đã thể hiện tính khoa học, hợp lý, bảo đảm khách quan, công bằng đối với tất cả thí sinh và các trường. Kết quả tuyển sinh bảo đảm các tiêu chí chất lượng, trật tự, an toàn, hiệu quả. Điểm trúng tuyển phản ánh chất lượng đầu vào và sự phân loại chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường khá rõ ràng. Nếu tính xét tuyển đạt từ 70% số chỉ tiêu trở lên có 205 trường; trong đó sơ bộ có 161 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu. 

Có thể nói, trong bối cảnh bị tác động của dịch Covid-19, công tác tuyển sinh đã bảo đảm được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả,… giảm được áp lực cho các đợt tuyển sinh bổ sung là điều đáng mừng. Quá trình tuyển sinh bảo đảm quyền tự chủ của các trường (xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định điều kiện tuyển sinh, tham gia nhóm hay tuyển sinh độc lập; dự tính tỷ lệ ảo, xác định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển…) theo đúng quy định của pháp luật. Các trường đã minh bạch thông tin trong đề án tuyển sinh, cung cấp thông tin cần thiết cho thí sinh và minh bạch kết quả tuyển sinh. 

Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả bước đầu của quá trình tuyển sinh và đào tạo. Bởi công tác xét tuyển đạt kết quả hay không còn ở khâu cuối là việc xác nhận nhập học của thí sinh. Thông thường hằng năm số lượng thí sinh trúng tuyển không nhập học vẫn chiếm một số lượng không nhỏ, nhiều trường tương ứng khoảng 28% đến 30%. Trong khi đó, công tác tuyển sinh năm nay bị chậm hơn khoảng hai tháng so với mọi năm. Vì vậy, sau khi tổ chức xét tuyển, các trường cần sớm ổn định, sắp xếp thời gian đào tạo hợp lý không để ảnh hưởng đến chương trình đào tạo. Các thí sinh cần sớm thực hiện quy trình nhập học theo đúng quy định. Hiện nay, công tác đào tạo của các trường theo hình thức tín chỉ, cho nên việc sớm lựa chọn, đăng ký các tín chỉ môn học sẽ giúp sinh viên hoàn thành chương trình sớm, tốt nghiệp ra trường, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, hiện nay vẫn còn 83 trường mới xét tuyển đạt tỷ lệ dưới 50% số chỉ tiêu và sẽ xét tuyển bổ sung từ ngày 15-10 đến hết năm 2020. Vì vậy, Bộ GD và ĐT cần bám sát, hỗ trợ các trường triển khai các đợt tuyển sinh tiếp theo bảo đảm hiệu quả, chất lượng. Các trường triển khai quy trình đúng quy định, tạo thuận lợi và tháo gỡ các khó khăn cho thí sinh xét tuyển đúng với nguyện vọng, sở trường đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp trong bối cảnh lịch học của các sinh viên mới bị chậm, muộn do ảnh hưởng dịch Covid-19…