Bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, nhiều lĩnh vực dịch vụ như du lịch, giải trí, ăn uống, giáo dục... bị ảnh hưởng nặng nề. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất có nơi thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động. Nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tại địa bàn có dịch phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh (SX, KD), hoặc tạm ngừng hoạt động...

Trước bối cảnh đó, để thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, ngày 4-3, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SX, KD, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Với tinh thần hành động quyết liệt, các bộ, ngành liên quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đang nhanh chóng vào cuộc để có các giải pháp cụ thể và hữu hiệu.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, ngày 12-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ký Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là cơ sở pháp lý để các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. NHNN cũng đề nghị các TCTD phải có phương án nghiên cứu phân định loại nợ, xác định nợ, đánh giá nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn, hoãn, giãn, tái cơ cấu thời hạn trả nợ, hỗ trợ doanh nghiệp ở tình thế khó khăn; bên cạnh đó, phải cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ SX, KD, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng..., với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng. Riêng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội phải xây dựng kịch bản chương trình hành động nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gặp khó khăn và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng do dịch Covid-19...

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng nhanh chóng vào cuộc phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12-2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Ngay sau đó, BHXH Việt Nam có Công văn số 860/BHXH-BT ngày 17-3 về hướng dẫn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, hướng dẫn, tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng SX, KD trở lên, hoặc bị thiệt hại hơn 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất)... BHXH các địa phương tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6-2020 khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định. Trong trường hợp đến hết tháng 6-2020, dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì kịp thời phối hợp các cơ quan liên quan nêu trên và gửi BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12-2020. Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm (BH) thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, hằng tháng đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, quỹ BHYT và BH thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang tập trung xử lý các vướng mắc về lao động; theo dõi sát tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp; xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, có các giải pháp quản lý lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam theo từng địa phương, nhất là lao động đến từ vùng dịch hoặc di chuyển qua vùng dịch; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài...

Trước những diễn biến mới của dịch, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11-3-2020 về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, với tinh thần hành động chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng cho mọi tình huống; tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch; tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho SX, KD, bảo đảm an sinh xã hội theo đúng Chỉ thị số 11/CT-TTg. Có thể tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cùng các giải pháp hiệu quả, nước ta sẽ vượt qua những khó khăn, hoàn thành “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra theo kết luận của Trung ương và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.