Sức hút từ châu Phi

Châu Phi đang ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn, khi nhiều cường quốc trên thế giới tiếp tục lên kế hoạch tăng cường đầu tư và đổ thêm hàng tỷ USD vào châu lục này. Mỹ cũng như các nước châu Âu đã công bố các dự án đầu tư lâu dài tại “lục địa đen” đầy tiềm năng, nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh.

Ký kết hợp tác giữa Mỹ và Ethiopia.Ảnh Đại sứ quán Mỹ tại Ethiopia
Ký kết hợp tác giữa Mỹ và Ethiopia.Ảnh Đại sứ quán Mỹ tại Ethiopia

Là nhà tài trợ lớn nhất cho châu Phi, với phần lớn các khoản tài trợ tập trung vào các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và cung cấp nước sạch, Mỹ đã lên kế hoạch tăng cường đầu tư vào khu vực tiềm năng này. Cơ quan Đầu tư tư nhân ở nước ngoài (OPIC) thuộc Chính phủ Mỹ thông báo, sẽ tăng gấp đôi quỹ đầu tư vào châu Phi, lên mức 12,4 tỷ USD. Khoản ngân sách này sẽ giúp Mỹ mở rộng và tăng cường chất lượng của các dự án đầu tư vào “lục địa đen”. Theo đó, một phần của quỹ sẽ được sử dụng giải ngân vào những dự án mang tính cấp thiết. OPIC cũng đang đàm phán với các công ty công nghệ thông tin và viễn thông tại Kenya, quốc gia được coi là trung tâm công nghệ của châu Phi, cũng như tại các nước lân cận nhằm hiện thực hóa kế hoạch đầu tư của OPIC vào lĩnh vực này. Hiện OPIC đã đầu tư 100 triệu USD vào Africell, một trong những mạng di động lớn nhất châu Phi. Tập đoàn công nghệ Google của Mỹ cũng vừa mở trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) tại thủ đô của Ghana. Với việc thành lập trung tâm đầu tiên này tại châu Phi, Google mong muốn có thể giúp “lục địa đen” giải quyết các thách thức, trong đó có kinh tế, chính trị và môi trường.

Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua khoản ngân sách trị giá 115,5 triệu ơ-rô nhằm giúp tăng cường an ninh, bảo vệ người di cư và tạo công ăn việc làm tại các quốc gia thuộc khu vực Sahel và hồ Sát của châu Phi. Chính phủ Đức cũng đã ban hành “Hướng dẫn chính sách của chính phủ liên bang đối với châu Phi”, trong đó đưa ra các biện pháp nhằm nắm bắt cơ hội, phòng ngừa rủi ro, khủng hoảng, giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình tại “lục địa đen”. Chính sách của Đức về châu Phi đề cập năm lĩnh vực chính, gồm xây dựng hòa bình, phát triển, di cư, hợp tác với các đối tác châu Phi, tăng cường hợp tác với xã hội dân sự. Hướng dẫn cũng đưa ra các công cụ tổng hợp về ngoại giao, phòng, chống khủng hoảng, ổn định tình hình, hợp tác phát triển và phát triển kinh tế. Bộ Ngoại giao Đức khẳng định, sự phát triển của châu Phi có tác động trực tiếp đến Đức và Liên hiệp châu Âu (EU). Đức khẳng định châu Phi là lục địa với rất nhiều cơ hội, như sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên, dân số trẻ và môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đóng vai trò nền tảng cho các thị trường năng động.

Chiến lược của Đức và EU tại châu Phi là tập trung thúc đẩy tăng trưởng bền vững, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và tăng cường thương mại với châu lục, chuyển đổi cách tiếp cận từ việc coi châu Phi là đối tượng nhận viện trợ thành đối tác hợp tác. Trong khi đó, với mục tiêu sẽ là nhà đầu tư lớn nhất tại châu Phi trong nhóm các nước G7 vào năm 2022, đầu năm nay Anh cho biết, sẽ đầu tư 30 triệu bảng vào các dự án kinh tế và an ninh tại châu Phi. Anh cũng đã ký đối tác chiến lược mới với Liên minh châu Phi (AU). Với chiến lược mới này, quan hệ giữa Anh và châu Phi sẽ được đẩy mạnh trên lĩnh vực hợp tác kinh tế, mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho giới trẻ và thúc đẩy quan hệ giữa hai bên.

Với dân số khoảng 1,2 tỷ người, gồm 55 quốc gia, châu Phi đang chứng tỏ tiếp tục là “điểm đến” hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. “Lục địa đen” vẫn nằm trong chiến lược cần mở rộng ảnh hưởng đối với các cường quốc trên thế giới.