Những chú lợn – biểu tượng may mắn từ Đông sang Tây

NDO -

NDĐT - Năm Kỷ Hợi đã bắt đầu, ở nhiều nơi trên thế giới hình ảnh những chú lợn được luôn được coi là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng. Từ quan niệm ấy, người dân có những truyền thống đón năm mới gắn với loài lợn khá giống nhau từ phương Đông đến phương Tây trong nhiều thế kỷ qua.

Các em nhỏ xem chú lợn con trong dịp năm mới Kỷ Hợi ở thủ đô Manila, Phiippines (ảnh: AP)
Các em nhỏ xem chú lợn con trong dịp năm mới Kỷ Hợi ở thủ đô Manila, Phiippines (ảnh: AP)

Biểu tượng của may mắn, sung túc

Người phương Tây quan niệm rằng, loài lợn không thể quay đầu lại nhìn về phía sau. Chúng chỉ có thể tiến về phía trước nên ngoài việc được coi là biểu tượng của sự may mắn thì chúng còn là tượng trưng cho việc luôn hướng về tương lai trong năm mới và những triển vọng mới, không nhắc lại những điều đã xảy ra.

Người ta luôn coi con lợn là biểu tượng của sự thịnh vượng, sinh sôi và mang lại nhiều may mắn. Xuất phát từ quan niệm những người nông dân nuôi lợn luôn là những người có nhiều lương thực và chăn nuôi lợn là một cách để bảo đảm cho gia đình luôn sung túc, người Ai-len cổ có câu: “Con lợn là “quý ông” trả tiền thuê nhà”, còn người Đức nói “Glücksschwein” nghĩa là “chú lợn may mắn”. Cùng với đó, những vật trang trí và biểu tượng hình con lợn tượng trưng cho may mắn và những lời chúc tốt đẹp nhất luôn hiện diện trong đời sống của người Đức vào dịp Năm mới. Người Na-uy, Đan Mạch, hay Ai-len cũng có một câu chúc tương tự như người Đức liên quan tới loài lợn. Tất cả đều mang ý nghĩa “bạn thật may mắn”.

Hình ảnh con lợn cũng đi vào Thần thoại Bắc Âu. Con lợn rừng có tên Gullinbursti là con vật đồng hành với vị thần Freyr, một vị thần biểu tượng cho thịnh vượng và hòa bình. Gullinbursti được người dân ưu ái sáng tạo không phải là con lợn rừng bình thường mà là một con lợn rừng có thể bay dễ dàng trên bầu trời cũng như trên các đại dương, luôn theo sát thần Freyr trong mọi hành trình.

Trong văn hóa của người Trung Hoa, lợn là con vật biểu trưng cuối cùng trong 12 con giáp. Những người sinh vào năm Hợi được cho là những người luôn cởi mở, lạc quan, hướng về tương lai và quyết đoán.

Còn trong Hindu giáo, thần Vishnu, vị thần bảo vệ và bảo tồn, được người Hindu giáo luôn một lòng tôn vinh, kính trọng. Thần hóa thân trong 10 hình dạng, với hóa thân thứ ba là lợn rừng Varaha (thân người, đầu heo và có bốn tay), cứu trái đất khỏi cơn đại hồng thủy.

Những chú lợn – biểu tượng may mắn từ Đông sang Tây ảnh 1

Những ống tiết kiệm luôn được làm theo hình những chú lợn để mang lại may mắn

Con lợn còn là biểu tượng của sự giàu sang. Nhiều người thích đeo những chiếc bùa nhỏ hình con lợn để thu hút tiền tài và may mắn. Từ xa xưa, hình ảnh những chú lợn luôn là biểu trưng cho sự bảo đảm tài chính của một gia đình. Thật không khó để thấy những ống tiết kiệm hình chú lợn trên khắp thế giới từ phương Đông đến phương Tây. Những ống tiết kiệm hình chú lợn mũm mĩm, đáng yêu là biểu tượng của sự no đủ. Dù ở đâu, ngươi ta cũng quan niệm nuôi lợn ống tiết kiệm là hành động để bảo vệ tài chính của gia đình trong tương lai.

Thực phẩm may mắn cho năm mới

Vào dịp năm mới, mọi người khắp nơi trên thế giới đều có những món ăn truyền thống được cho là sẽ mang lại may mắn trong năm mới. Ở nhiều nền văn hóa, dù là phương Đông hay phương Tây, thịt lợn là một món ăn rất phổ biến trong thực đơn chào đón năm mới.

Ở Đức, món thịt lợn nướng kèm Sauerkraut (món dưa bắp cải muối) vào Đêm Giao thừa là một truyền thống lâu đời. Người ta cho rằng vào Đêm Giao thừa, ăn món Suaerkraut sẽ mang lại may mắn và sung túc cho năm mới. Trước bữa ăn, những người ngồi trong bàn sẽ cầu nguyện cho mọi người mọi điều tốt lành và sự giàu có như số miếng bắp cải trong bát Sauerkraut. Và nhất định dưa cải muối phải đi kèm với món thịt lợn nướng bởi người ta tin rằng trong bữa ăn có món thịt lợn sẽ mang lại may mắn trong dịp năm mới.

Những chú lợn – biểu tượng may mắn từ Đông sang Tây ảnh 2

Những chiếc bánh Marzipan đáng yêu

Không chỉ có món thịt lợn nướng mới là biểu tượng của sự may mắn ở Đức. Trong suốt lễ Giáng sinh và Năm mới, món bánh Marzipan hình chú lợn là món quà yêu thích. Được nặn bằng bột và hạnh nhân, hoặc chocolate, những chiếc bánh hình các chú lợn màu hồng sáng như một lá bùa may mắn. Người ta khắc lên những chiếc bánh Marzipan dòng chữ “schwein haben” (có nhiều lợn) với hy vọng những chiếc bánh hình chú lợn ngộ nghĩnh sẽ mang đến may mắn, sung túc cho người nhận. Theo quan niệm cổ, người nông dân có càng nhiều lợn nuôi thì chắc chắn sẽ giàu có và sung túc. Phong tục tặng những chiếc bánh Marzipan cũng là một truyền thống vào dịp năm mới ở Na-uy và Đan Mạch. Còn ở Thụy Điển, vào dịp năm mới ăn món chân lợn nướng cũng nhất định sẽ mang tới may mắn và sung túc cho cả năm.

Phong tục ăn món lợn nướng kèm bắp cải muối vào dịp năm mới của người Đức được những người Hà Lan cổ mang đến vùng đất của hạt Lancaster, bang Pennsylvania, Mỹ. Người dân địa phương ở đây mừng năm mới với bữa ăn có thịt lợn nướng và bắp cải muối Sauerkraut. Cùng với đó, món thịt lợn xông khói và gà tây cũng khá phổ biến vào dịp lễ đón mừng năm mới. Quan niệm truyền thống của người dân địa phương cho rằng thịt lợn là biểu tượng của sự quyết đoán mạnh mẽ. Nếu gà tây đạp đất về phía sau trong khi tìm thức ăn thì loài lợn lại làm điều ngược lại, chúng dũi đất về phía trước để kiếm thức ăn như một cách hướng về tương lai.

Ở Mỹ La-tinh, Cuba là một trong những nước coi thịt lợn là thực phẩm may mắn. Trong bữa tiệc đón mừng năm mới, người dân Cuba luôn thưởng thức món lợn sữa quay để cầu chúc một năm mới phát triển và thịnh vượng.

Còn ở phương Đông, trong thực đơn mừng năm mới của người dân Okinawa, Nhật Bản nhất định phải có món thịt lợn, như Mimigaa (tai lợn), Kuubuirichi (thịt lợn rán) và đặc biệt là món Sakibuni No Shiru (canh sườn lợn). Đây là những món ăn truyền thống đặc biệt của người dân Okinawa mời gia đình và bạn bè trong Đêm Giao thừa với mong muốn một năm mới thịnh vượng.

Những chú lợn – biểu tượng may mắn từ Đông sang Tây ảnh 3

Món dumpling truyền thống tượng trưng cho may mắn, giàu sang của người Trung Quốc

Đối với người Trung Quốc, có lịch sử hơn 1.800 năm, món bánh hấp nhân thịt (dumpling) là một trong bảy món ăn mang lại may mắn nhất định phải có trong dịp đầu năm mới. Nguyên liệu để làm món dumpling rất đa dạng, song món dumpling đặc trưng cho dịp năm mới nhất định phải có thịt lợn xay, bắp cải, hành lá và tôm. Ăn món dumpling vào năm mới là cách để bỏ lại những điều cũ và đón những điều mới sắp đến. Món dumpling cũng là món ăn tượng trưng cho sự giàu có bởi hình dáng của chúng trông giống như những nén bạc cổ Trung Hoa. Truyền thuyết nói rằng ăn càng nhiều dumpling trong dịp mừng năm mới thì bạn càng có nhiều tiền trong suốt năm đó.

Quan niệm và phong tục truyền thống gắn với hình ảnh con lợn từ nhiều thế kỷ qua vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống của người dân từ Đông sang Tây. Bởi hình dáng đặc trưng và gắn bó với cuộc sống của con người từ xa xưa trong chăn nuôi và sản xuất nên dù ở thời đại nào, hình ảnh những chú lợn vẫn luôn là biểu tượng may mắn, sung túc và mang lại nhiều niềm vui cho con người.