Năm phát minh góp phần định hình lại cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái

NDO -

NDĐT - Từ Internet tới xe đạp, hay những chiếc quần âu của nam giới, đều nằm trong năm phát minh hữu ích mà chúng ta có được ngày hôm nay để góp phần tạo nên sự thay đổi cuộc sống của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.

Con lăn Hippo giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu người ở khu vực khó khăn tiếp cận nguồn nước (Ảnh: internet)
Con lăn Hippo giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu người ở khu vực khó khăn tiếp cận nguồn nước (Ảnh: internet)

Con lăn nước Hippo

Tiếp cận nước sạch là một nhu cầu thiết yếu của con người. Bạn cần nước sạch để uống, vệ sinh, nấu ăn, tắm giặt và nhiều việc khác nữa. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới có khoảng 2,1 tỷ người - chiếm khoảng 30% dân số thế giới - không được tiếp cận với nguồn nước an toàn, sẵn có tại gia đình. Không may mắn, trong số đó có hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái đang ở trong tâm của cuộc khủng hoảng nước sạch, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, gánh nặng của việc tới những nguồn nước sạch đổ dồn lên họ. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ bạo lực gia tăng trên hành trình dài lấy nước, và không còn nhiều thời gian dành cho các hoạt động khác, như làm việc tạo ra thu nhập, tới trường học hay thậm chí là thời gian nghỉ ngơi và vui chơi - tất cả đều cản trở phụ nữ và trẻ em gái có được cuộc sống toàn diện. Trong một nỗ lực làm giảm gánh nặng và thời gian lấy nước sạch ở các khu vực nông thôn khó khăn, hai người Nam Phi vào đầu những năm 1990 đã phát minh ra Con lăn nước, hiện được biết tới với tên gọi Con lăn Hippo.

Là một thùng đựng nước hình trống có thể lăn được trên mặt đất, Con lăn Hippo có thể chứa lượng nước gấp năm lần một thùng nước bình thường. Đến nay, sáng kiến này đã thay đổi cuộc sống của nửa triệu người ở hơn 20 quốc gia. Mặc dù đây không phải là giải pháp vĩnh viễn cho cuộc khủng hoảng nước, nhưng nó cùng với các giải pháp sáng kiến khác, như thiết bị lọc nước cá nhân LifeStraw, là nỗ lực đáng ghi nhận để cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái ở các cộng đồng dân cư nông thôn.

Xe đạp

Nhà hoạt động nữ quyền người Mỹ Susan B.Anthony đã gọi chiếc xe đạp là một biểu tượng của “những người phụ nữ tự do, được giải phóng”. Chiếc xe đạp đã trao cho người phụ nữ sự tự do di chuyển, thay đổi định kiến chung quanh sức khỏe của người phụ nữ và làm thay đổi trang phục váy áo của họ.

Năm phát minh góp phần định hình lại cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái ảnh 1

Xe đạp đã trao cho phụ nữ sự giải phóng và độc lập (Ảnh: internet)

Mặc dù trên thực tế, phát minh ra chiếc xe đạp không phải dành riêng cho phụ nữ, song chúng đã trao cho phụ nữ sự độc lập: Ở một số khu vực trên thế giới vào thời điểm những năm 1880, chiếc xe đạp xuất hiện đồng nghĩa với việc phụ nữ có thể đi lại tự do mà không cần dựa vào những người đi kèm. Dĩ nhiên, điều này bị đi cùng với những phản ứng dữ dội: Người ta cảnh báo phụ nữ đạp xe đạp là “vô đạo đức” và các bác sĩ thậm chí còn nói rằng việc này có thể dẫn tới những vấn đề y học kinh khủng được gọi là vấn đề xe đạp - một mối nguy cơ đặc biệt đối với hình dáng và nước da của người phụ nữ.

Dù những thêu dệt về chiếc xe đạp lan rộng, phụ nữ vẫn không đầu hàng. Những người phụ nữ và các nhà cải cách thời Victoria đã kêu gọi sáng tạo và sử dụng trang phục hợp lý hơn và đồ lót rộng hơn để thuận lợi cho hoạt động đạp xe. Thêm vào đó, Annie Londonderry, một phụ nữ người Latvia nhập cư tới Mỹ đã thách thức những định kiến về phụ nữ bằng việc trở thành người phụ nữ đầu tiên đạp xe vòng quanh thế giới từ năm 1894 đến 1895. Hơn nửa thế kỷ sau đó, phong trào đòi bình đẳng giới vẫn tiếp tục.

Internet

Tương tự như những phát minh máy in, radio, tivi và điện thoại, internet đã cách mạng hóa cách sống của phụ nữ và trẻ em gái. Thông qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tin nhắn trực tuyến hay thư điện tử, internet đã mở ra chân trời cho chủ nghĩa hoạt động trực tuyến, xây dựng cộng đồng, các cơ hội nghề nghiệp và học tập, tăng cường nhận thức và sự tham gia chung quanh các vấn đề quyền của phụ nữ, và cho phép phụ nữ thành lập doanh nghiệp, các chiến dịch chính trị và hơn thế nữa. Từ #MeToo tới #NiUnaMenos tới #TimesUp, các phong trào mạng xã hội đặc biệt đã phơi bày sự bất bình đẳng giới và bạo lực chống lại phụ nữ chưa từng có, và buộc các quan chức nhà nước và tư nhân phải hành động thay đổi.

Tuy nhiên, cũng như bất cứ công nghệ nào, internet cũng có mặt tối: Sự bất bình đẳng ngoại tuyến, trong đó có hoạt động theo dõi, sự ghét bỏ, nạn quấy rối và buôn người đã len lỏi vào mạng trực tuyến. Sự thiếu thông tin về quyền của phụ nữ có nguy cơ trở lại. Và khoảng 49% dân số thế giới không tiếp cận với internet, khoảng cách kỹ thuật số đã bỏ lại những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong bóng tối và không có các kỹ năng tương xứng, cũng như sự giáo dục cần thiết để tồn tại trong một thế giới phát triển nền kinh tế dựa trên công nghệ nhanh chóng ngày nay. Việc giải quyết vấn đề khoảng cách này rất quan trọng trong nhiều năm tới.

Băng vệ sinh

Năm phát minh góp phần định hình lại cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái ảnh 2

Kỷ lục xếp băng vệ sinh tại Ấn Độ nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh cho phụ nữ và trẻ em gái (Ảnh: Jakarta Post)

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn sử dụng sợi len, rêu, da động vật, giẻ rách, báo cũ hay đai lưng vệ sinh khi bạn đến ngày “đèn đỏ”? Tuy nhiên, chỉ mới hơn một thế kỷ trước, các y tá ở Pháp đã sáng tạo ra tấm băng vệ sinh dùng một lần đầu tiên khi tình cờ phải thực hiện việc cầm máu cho những binh sĩ nam. Cho đến cuối thế kỷ thứ 19, những miếng băng vệ sinh dùng một lần thương mại đầu tiên đã xuất hiện, nhưng cũng phải mất vài thập kỷ trước khi chúng trở nên thiết thực để phụ nữ sử dụng và mua được (nếu đủ khả năng). Phát minh đột phá này đã cải thiện một loạt vấn đề như tình trạng vệ sinh và sức khỏe, điều kiện được tới trường, cơ hội phát triển sinh kế và kinh tế cho phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, ngày nay, bất chấp một số nỗ lực, những miếng băng vệ sinh vẫn nằm ngoài tầm với của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái đang sống trong nghèo đói và bị đánh thuế ở một số quốc gia trên thế giới khi chúng bị coi là một mặt hàng “xa xỉ”.

Bên cạnh đó, kỳ kinh nguyệt vẫn là một chủ đề cấm kỵ. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử chung quanh vấn đề kinh nguyệt ngăn cản phụ nữ và trẻ em gái ở một số quốc gia được tham gia vào các khu vực sinh hoạt như nhà ở, trường học, nơi làm việc hoặc nơi thờ cúng. Và như thế, chúng ta chỉ còn biết hy vọng có một phát minh có thể xóa sạch sự phân biệt đối xử với phụ nữ…

Quần hai ống nam

Từ chiếc mũ màu hồng cho đến bộ quần áo, trang phục của phụ nữ có sức mạnh thách thức định kiến, thay đổi quan niệm về định dạng giới tính và biểu tượng cho sự kháng cự và quyền lực. Nhưng để chuyển từ những bộ váy nặng nề sang những chiếc quần hai ống gọn gàng cho phụ nữ như ngày nay là cả một quá trình dài đấu tranh không mệt mỏi của những nhà hoạt động nữ quyền. Trong Thế chiến thứ nhất và thứ hai, những người phụ nữ bắt đầu mặc quần âu như nam giới khi họ đảm nhận những công việc truyền thống của nam giới. Khi thế giới công việc thay đổi với hàng triệu phụ nữ, những chiếc quần ống bó, hay quần yếm cho phụ nữ bước vào các công xưởng thời hậu chiến được chấp nhận và ngày nay được coi là một biểu tượng sức mạnh.

Và đối với hàng triệu phụ nữ nghèo làm việc trên những cánh đồng hay trong các nhà máy ngày nay, mặc những bộ quần áo của nam giới rộng rãi không chỉ là một tuyên ngôn về thời trang mà là sự thiết yếu để di chuyển, kiếm sống và có thức ăn trên bàn ăn ở mỗi gia đình.