“Loạn” dịch vụ viễn thông và trách nhiệm của nhà mạng

Vụ việc Công ty Sam Media “âm thầm kiếm lợi” hơn 230 tỷ đồng từ hàng chục nghìn người dùng di động Việt Nam đang gây nhiều rúng động trong dư luận. Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ bé so với những gì các công ty cung cấp dịch vụ nội dung trên di động (CP) cùng các nhà mạng đã, đang và sẽ tiếp tục “móc” được từ túi khách hàng.

“Nghi án” nhà mạng tự động kích hoạt dịch vụ nội dung để thu lời bất chính đã được đặt ra từ nhiều năm qua khiến người dùng vô cùng bức xúc, các cơ quan chức năng đã không ít lần xử phạt mạnh tay các vi phạm, nhưng phải chăng vì món lợi quá lớn nên các nhà mạng vẫn bất chấp?

Phần nổi của tảng băng chìm

Chỉ trong vòng ba năm, bằng các dịch vụ, trò chơi trúng thưởng trên nền tảng di động, Công ty Sam Media (trụ sở chính đặt tại Hồng Công, Trung Quốc) và các đối tác trong nước đã “móc túi” gần 94 nghìn khách hàng Việt Nam với tổng số tiền hơn 230 tỷ đồng. Cụ thể, tin nhắn của Sam Media được gửi trực tiếp đến người dùng di động. Sau khi nhắn tin xác nhận tham gia, khách hàng bắt đầu bị trừ tiền. Ðiều đáng nói là nội dung hủy dịch vụ chỉ có duy nhất trong tin nhắn đầu tiên gửi đến. Những ngày sau đó, chỉ có tin nhắn quảng cáo tới và tài khoản cứ thế tiếp tục bị trừ tiền.

Sự việc bị phát hiện đã “tạo sóng” trong dư luận, làm tốn không ít giấy mực của các cơ quan báo chí cũng như gây hoang mang cho nhiều người dùng di động. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và số tiền 230 tỷ đồng rõ ràng không thấm vào đâu so với con số hàng nghìn tỷ đồng mà các CP cùng nhà mạng trong nước kiếm được trong suốt nhiều năm qua. Bên cạnh đó, rõ ràng thủ đoạn Sam Media sử dụng vẫn “trong sáng” hơn nhiều so với “chiêu trò” của nhiều CP khác.

Anh Hùng, chủ nhân của một thuê bao Viettel cho biết: Nhắn kiểm tra các dịch vụ đã đăng ký, tuy không thấy dịch vụ của Sam Media nhưng thuê bao của anh Hùng lại “dính bẫy” một dịch vụ khác là Avideo (cước 5.000 đồng/tuần). “Gọi tổng đài mới biết, hóa ra tôi đã phải trả tiền cho dịch vụ này từ đầu tháng 5 đến nay mà không hề hay biết cũng như không nhận được bất kỳ tin nhắn thông báo nào. Khi tôi thắc mắc, nhân viên tổng đài lại đổ lỗi do tôi nhấn nhầm link (đường dẫn) quảng cáo trên mạng nên dịch vụ mới bị kích hoạt” - anh Hùng phàn nàn.

Tương tự, chị Hồng, chủ một thuê bao MobiFone phát hiện đang phải trả tiền cho dịch vụ MobiRadio mặc dù không hề đăng ký hay sử dụng. Ðiều đáng nói là khi gọi lên tổng đài, nhân viên trực có vẻ “chột dạ” nên thông báo ngay, gói cước này đã được “cắt” từ ngày 27-9 mặc dù ngày 29-9, chị Hồng mới gửi tin nhắn kiểm tra và thấy dịch vụ vẫn đang trong trạng thái được kích hoạt. Có thể thấy, tình trạng nhà mạng “loạn” kích hoạt và thu phí các dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) đang diễn ra rất phổ biến.

Ðại diện Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Các CP có rất nhiều thủ đoạn tinh vi để “bẫy” người dùng, thí dụ để các trang quảng cáo tự xuất hiện trên giao diện in-tơ-nét và khi người dùng cố thoát khỏi các trang này đồng nghĩa với việc dịch vụ đã được kích hoạt. Các “chiêu trò” này sẽ không được sử dụng thường xuyên mà thực hiện kiểu cách nhật, “ăn xổi” nên rất khó “bắt tận tay”. Vì vậy, dù Thanh tra Bộ đã giám sát rất sát sao, nhưng việc phát hiện, kiểm tra và xử lý các sai phạm này là rất khó, trừ khi có được những thông tin, bằng chứng xác đáng do chính người tiêu dùng cung cấp. Trong khi đó, các nhà mạng lại thường mượn cớ đã giao hết việc triển khai dịch vụ cho bên đối tác để chối bỏ trách nhiệm.

Nhà mạng đùn đẩy trách nhiệm

Vụ việc Sam Media cuối cùng được khép lại với mức phạt “đuổi ruồi” là 55 triệu đồng, chỉ bằng khoảng 0,024% số tiền công ty này đã thu được, đồng thời không đả động gì tới trách nhiệm liên đới của nhà mạng khi để cho Sam Media cùng các CP đối tác “lộng hành” suốt ba năm vừa qua. Thực tế, các công ty cung cấp đầu số nhắn tin ngắn có hợp tác với Sam Media đều là các đối tác CP của bốn nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone, Vinaphone và Vietnamobile. Vì thế, dù không ký hợp đồng trực tiếp với Sam Media, nhưng các nhà mạng này vẫn phải có trách nhiệm liên đới.

Ngoài ra, theo một nguồn tin đáng tin cậy, tỷ lệ “chia chác” thông thường hiện nay là các nhà mạng được hưởng khoảng 50-60% khoản thu từ dịch vụ GTGT. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa một nhà mạng nào chính thức nhận trách nhiệm hay lên tiếng về việc đền bù thiệt hại của khách hàng.

Anh Long, một chuyên gia lĩnh vực viễn thông nhận định: Với hàng chục, hàng trăm công ty đối tác truyền thông đang hoạt động với phương thức “mờ ám” như Sam Media, không khó để hình dung ra nguồn lợi khổng lồ mà các nhà mạng đang thu được từ các dịch vụ GTGT. Vì vậy, trong sự việc lần này, các nhà mạng buộc phải “im lặng” không phải chỉ vì vài trăm tỷ đồng mà còn e ngại sẽ mở ra tiền lệ để khách hàng có thể đòi lại hàng nghìn tỷ đồng bị thu lời bất chính từ các dịch vụ GTGT khác.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Những khiếu nại liên quan phát sinh cước di động bất hợp lý là một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Thực tế, không ít nhà mạng cũng như các CP từng bị cơ quan chức năng thanh tra, xử phạt,… nhưng đa số khách hàng dù bị trả phí oan vẫn không được bồi thường. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Vinastas có thể đại diện người tiêu dùng đứng ra khởi kiện các nhà mạng để bảo vệ quyền lợi của người dùng di động. Tuy nhiên, tổn thất mà mỗi khách hàng gặp phải thường không lớn, chỉ vài chục hoặc vài trăm nghìn đồng cho nên phần lớn người dùng đều “tặc lưỡi” cho qua.

Trước tình trạng “loạn” các dịch vụ GTGT như hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đưa ra những biện pháp quản lý tốt hơn, thí dụ yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như các nhà mạng phải ghi rõ “dịch vụ bị thu phí” ngay từ đầu tin nhắn quảng cáo dịch vụ, gửi tin nhắn để người dùng xác nhận việc đăng ký dịch vụ và tin nhắn báo ngay khi dịch vụ bị kích hoạt kèm theo mã hủy dịch vụ,… Bên cạnh đó, có những chế tài xử lý mạnh mẽ hơn, tăng mức xử phạt để tạo tính răn đe cao. Với một số trường hợp khiến người tiêu dùng bị thiệt hại nặng, cơ quan nhà nước nhận thấy cần phải truy thu (như trường hợp của Sam Media) thì nhà mạng phải là đối tượng bị truy thu trước tiên vì đây là đơn vị được ăn chia tỷ lệ lớn từ số tiền thu được.

Ngoài ra, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) khuyến cáo, người dùng di động cần phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin để khai thác sử dụng các dịch vụ này phục vụ hiệu quả cho cuộc sống, đồng thời tránh được những hành vi xâm phạm quyền lợi của mình. Khi thấy những dấu hiệu bất thường như thường xuyên nhận được tin nhắn với nội dung tương tự từ một đầu số nhất định hoặc tiền cước hằng tháng tăng bất thường,… có thể thuê bao này đã và đang bị tự động “kích hoạt” dịch vụ GTGT và người tiêu dùng cần liên hệ ngay với tổng đài của nhà mạng hoặc soạn tin nhắn để kiểm tra danh sách các ứng dụng dịch vụ GTGT được đăng ký và hủy ngay những dịch vụ không cần thiết.