Hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt 2020

NDO -

Sáng 10-11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tổ chức Hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn, an ninh mạng (Vietnam Security Summit 2020). 

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì hội thảo.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì hội thảo.

Sự kiện này bao gồm một phiên Báo cáo chính được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự chủ trì của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông; hai hội thảo chuyên đề và Triển lãm công nghệ với sự tham gia của hơn 30 tập đoàn và doanh nghiệp bảo mật hàng đầu trong nước và quốc tế.

Sự kiện đã thu hút đông đảo đại biểu từ các cơ quan Chính phủ, các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, bán lẻ và thương mại điện tử, vận tải - logistics, năng lượng, sản xuất,…

Hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt nam 2020 -0
Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Phiên Báo cáo chính với chủ đề “An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn”, các chuyên gia, nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong và ngoài nước đã trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các rủi ro an toàn, an ninh mạng phi truyền thống và bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh việc lưu trữ, bảo mật dữ liệu của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước đang đặt ra nhiều vấn đề, những chiến lược an toàn, an ninh mạng của các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo mật, lưu trữ dữ liệu, quản trị rủi ro.

Theo TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, năm 2021, một số nghiên cứu quốc tế đã dự báo các chi phí liên quan đến vấn đề vi phạm bảo mật, tội phạm mạng, an ninh mạng sẽ tiêu tốn của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới 24,7 USD mỗi phút, tăng 2 USD so với năm 2020. Điều này có nghĩa là, sẽ mất ít nhất 11,4 triệu USD mỗi phút cho các vấn đề liên quan đến vi phạm an ninh mạng trong năm 2021. Dự báo, trung bình mỗi phút sẽ có 1,5 cuộc tấn công vào máy tính có kết nối Internet, 375 mối đe dọa mới được phát hiện, 16.172 bản ghi dữ liệu bị xâm phạm, 35 email spam Covid-19 được phân tích…

Còn theo thống kê từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến tháng 9-2019, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về nhiễm mã độc, đứng thứ hai khu vực Đông - Nam Á về tấn công email và thứ ba thế giới về tấn công botnet. Đặc biệt, các cuộc tấn công không chỉ gia tăng nhanh về số lượng, thời lượng và tần suất, mà còn được tăng cường bởi sức mạnh của các công nghệ mới, dẫn tới các vụ rò rỉ, đánh cắp, phá hủy dữ liệu quy mô lớn nhắm vào các hạ tầng trọng yếu của quốc gia, doanh nghiệp. Vì vậy, trong những năm vừa qua, mức độ đầu tư của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam dành cho các giải pháp bảo mật đã có sự cải thiện đáng kể.

Hiện nay, chuyển dịch hoạt động theo hướng số hóa là xu hướng được nhiều cơ quan nhà nước và các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam triển khai nhằm cải thiện và tối ưu hóa hiệu quả vận hành. Tuy vậy, trong bối cảnh các tài nguyên, dữ liệu quan trọng đang được lưu trữ ngày một nhiều trên môi trường số cùng sự bùng nổ của các thiết bị kết nối cá nhân, điều này vô tình trở thành “điểm yếu” dễ bị khai thác. Những kẻ tấn công đang có nhiều “cửa ngõ” hơn để thâm nhập vào kho dữ liệu của các tổ chức và khiến quy trình bảo mật thông tin càng trở nên phức tạp.

Hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt nam 2020 -0
 Các đại biểu tham quan triển lãm và nghe giới thiệu về các giải pháp xử lý các rủi ro mất an toàn thông tin.

Các đại biểu dự hội thảo cũng trao đổi các giải pháp, công nghệ bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong các lĩnh vực trọng yếu như chính phủ điện tử, xây dựng và quản trị đô thị thông minh, năng lượng, hạ tầng thanh toán, hạ tầng giao thông vận tải, đề xuất tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác công - tư nhằm cải thiện năng lực bảo mật thông tin quốc gia, phát hiện và xử lý các rủi ro mất an toàn thông tin, mất an toàn, an ninh mạng nhằm bảo vệ các dữ liệu và tài sản trọng yếu; giúp các doanh nghiệp có định hướng tối ưu hóa trong việc xây dựng chiến lược đầu tư hệ thống bảo mật, công nghệ thông tin hiệu quả với các nguồn lực có sẵn.

Cũng tại sự kiện, Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng với sự tham gia của hơn 30 nhà cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu khu vực và trên thế giới, các giải pháp nổi bật sẽ được giới thiệu trong triển lãm bao gồm: Bảo mật đám mây, bảo mật thiết bị đầu cuối, bảo mật thiết bị di động, quản lý truy cập và định danh, xác thực đa yếu tố/xác thực không mật khẩu, bảo mật sinh trắc học, CCTV và Hệ thống giám sát, GRC, Hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập, DevSecOps, bảo mật ứng dụng/kiểm thử xâm nhập, phòng chống mất dữ liệu/phishing, Zero Trust, giải pháp ngăn ngừa rủi ro nội bộ DDoS, mã hóa, ảo hóa,…