RCEP giúp khôi phục kinh tế khu vực và toàn cầu trong đại dịch Covid-19

NDO -

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (tiếng Anh: Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP) đã được 10 nước ASEAN cùng năm nước gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand chính thức ký kết tại Hội nghị cấp cao các nước tham gia đàm phán RCEP lần thứ 4, diễn ra trực tuyến bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN.

Lễ ký kết RCEP trực tuyến.
Lễ ký kết RCEP trực tuyến.

Trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã, Đại sứ Trung Quốc tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Đặng Tích Quân nêu rõ, RCEP ký kết thành công, đánh dấu bước tiến lớn trong hướng tới khung kinh tế mậu dịch chủ yếu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đánh dấu thắng lợi quan trọng của chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại, giúp ích cho việc khôi phục kinh tế khu vực cũng như toàn cầu, đồng thời đưa ra thông điệp kiên trì hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Đại sứ Đặng Tích Quân nhấn mạnh, sau tám năm với nhiều vòng đàm phán, RCEP đã chính thức được ký kết. Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn trở ngại cho RCEP, nhưng không làm giảm quyết tâm và niềm tin của các bên, thậm chí đã giúp các bên nhận thức sâu sắc hơn tác dụng to lớn và ý nghĩa quan trọng của hiệp định RCEP. 15 quốc gia sánh vai tiến bước, thu hẹp bất đồng, giải quyết thành công những vấn đề tồn tại, bảo đảm hiệp định ký kết đúng hạn định.

Đại sứ Đặng Tích Quân chỉ rõ, RCEP là hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới, có tác động quan trọng tới quy tắc thương mại toàn cầu và kinh tế thế giới. Thành viên của RCEP không chỉ bao gồm các nước phát triển, mà còn có những nước chưa phát triển. Trình độ phát triển kinh tế không đồng đều, bối cảnh văn hóa và thể chế chính trị khác biệt, các quốc gia đa dạng hóa như vậy có thể hợp tác với nhau, thể hiện rõ sức hấp dẫn của tự do thương mại và hợp tác cùng tiến.

Đại sứ Đặng Tích Quân cho rằng, RCEP là một hiệp định hiện đại, toàn diện và cao cấp. Hiệp định bao gồm nhiều lĩnh vực và quy định mà trước đây hiệp định thương mại giữa các quốc gia ASEAN và ngoài ASEAN chưa có. Ngoài những điều khoản cụ thể và cam kết tự do hóa lĩnh vực hàng hóa dịch vụ, đầu tư… RCEP còn bao gồm các điều mục về lĩnh vực bản quyền, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác kinh tế và công nghệ, mua sắm chính phủ... Đem đến lợi ích và cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực, hình thành quy tắc thống nhất cho kinh tế thương mại khu vực. Sau khi được ký kết, năng lượng của RCEP sẽ được giải phóng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư thương mại châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế khu vực, gia tăng ổn định chuỗi sản xuất cung ứng và liên kết.

Đại sứ Đặng Tích Quân nhấn mạnh, trong tám năm qua, ASEAN luôn đề cao trách nhiệm lãnh đạo, tích cực thúc đẩy quá trình đàm phán RCEP, điều tiết lập trường các bên. Nhờ có nỗ lực to lớn và vai trò trung tâm của ASEAN, 15 quốc gia đã khắc phục khác biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa của mỗi nước, để đi đến ký kết, không có ASEAN sẽ không có RCEP, Trung Quốc tán thành và cảm ơn những nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo các nước ASEAN.

Đại sứ Đặng Tích Quân cũng chỉ ra, Trung Quốc luôn ủng hộ và gìn giữ vai trò trung tâm của ASEAN, hỗ trợ mạnh mẽ ASEAN, đồng thời phát huy vai trò tích cực và xây dựng của mình. Trung Quốc lấy “xúc tiến đàm phán, xúc tiến hợp tác, xúc tiến thành công” làm tinh thần thúc đẩy các bên giải quyết các vấn đề nan giải. Giữa năm nay, Trung Quốc đã hoàn thành các cuộc đàm phán thực chất, tạo nền móng cho việc ký kết RCEP. Tiếp theo sẽ tích cực tuân thủ các quy trình trong nước, cùng các bên thúc đẩy thực hiện RCEP.

Theo đánh giá của lãnh đạo ASEAN, RCEP là một hiệp định mở rộng và bao trùm. Đại sứ Đặng Tích Quân cho rằng, tiềm năng của RCEP sau khi có hiệu lực sẽ không ngừng được phát huy, rất có thể sẽ thu hút thêm nhiều nước tham gia.

Hội nghị cấp cao Asean lần thứ 37