Kinh đô cổ Bagan, Myanmar trở thành Di sản Thế giới

NDO -

NDĐT – Tổ chức khoa học, giáo dục và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 6-7 đã ghi danh cố đô Bagan của Myanmar là Di sản Thế giới sau gần 1/4 thế kỷ kể từ khi khu phức hợp các kiến trúc Phật giáo này được nộp hồ sơ xin xét duyệt lên UNESCO.

Một góc Bagan (Ảnh: Myanmar Times)
Một góc Bagan (Ảnh: Myanmar Times)

Kinh đô cổ Bagan của Myanmar từ lâu đã là điểm thăm quan không thể bỏ lỡ của những tín đồ du lịch tới đất nước này. Bagan là một quần thể gồm hơn 3.500 bảo tháp, đền thờ, tu viện và các công trình khác được xây dựng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13.

Tại cuộc họp của hội đồng UNESCO công nhận các di sản thế giới diễn ra tại Baku, Azerbaijan, từ ngày 30-6 đến 10-7, UNESCO cho biết, Myanmar đã thông qua luật di sản mới và xây dựng nhiều kế hoạch để giảm thiểu tác động của các khách sạn và hoạt động du lịch chung quanh quần thể này.

Kinh đô cổ Bagan, Myanmar trở thành Di sản Thế giới ảnh 1

Bình minh ở Bagan (Ảnh: Myanmar Times)

Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế nhấn mạnh, Myanmar đã thay đổi hoàn toàn “một số can thiệp bảo tồn không phù hợp”, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của Bagan với ý nghĩa lịch sử của nó và là nơi tiếp tục hoạt động thờ phụng Phật giáo.

Kinh đô cổ Bagan lần đầu tiên được đề cử là Di sản Thế giới vào năm 1995. Quần thể này đã trải qua nhiều biến cố, điển hình là trận động đất có cường độ 6,8 vào năm 2016 đã làm hư hại gần 200 ngôi đền cổ.

Nhấn mạnh Bagan là một di sản sống, chứng kiến những biến đổi thăng trầm hơn một nghìn năm qua, đại diện đoàn chính phủ Myanmar tại cuộc họp cam kết Myanmar sẽ tiếp tục các nỗ lực bảo tồn và quản lý Bagan để di sản vô giá này sẽ tiếp tục tồn tại hàng nghìn năm nữa.