Trung đội biệt động Sài Gòn mang tên Ðồng Ông Cộ

NDO - Trung đội biệt động trẻ trung này có chín đảng viên, 19 đoàn viên thanh niên, tám đội viên, được bố trí trong đội vũ trang tự vệ 36 người, hoạt động theo sự phân tuyến biệt động - có đơn tuyến và phối hợp nhau.  Ngoài ra trung đội còn được 13 thanh niên giác ngộ trong vùng ủng hộ, đi theo trung đội hoạt động nhiều loại hình tuyên truyền, vận động nhân dân nội thành. Ðiều đặc biệt là trung đội hoạt động và ém quân ngay trong lòng dân ở giữa Sài Gòn - lõm căn cứ Ðồng Ông Cộ - nay là địa bàn nằm trên các phường 12, 14, 24 thuộc quận Bình Thạnh.

Trung đội ra đời ban đầu gồm các sinh viên, thanh niên yêu nước được giác ngộ từ các vùng ven và nội ô Sài Gòn tình nguyện tham gia. Tháng 6 - 1964, qua sự giới thiệu của các đồng chí Trần Thị Phương (Năm Phương), Lư Nhiên, Lê Tấn Nghiêm, là những cán bộ đang công tác nội đô, trung đội bắt đầu tổ chức được một đầu mối lấy bốn nhà dân cơ sở ta làm cơ sở nuôi chứa và tập hợp quần chúng chí cốt, giúp các chiến sĩ biệt động khi làm nhiệm vụ được an toàn. Nhiệm vụ cụ thể lúc đầu của trung đội được giao là in truyền đơn, tuyên truyền vận động quần chúng xuống đường đấu tranh chống Mỹ - ngụy. Cơ sở để trung đội in truyền đơn, may cờ Giải phóng, viết áp-phích là nhà số 100/4 đường Hồng Lạc - Tân Bình của ông Nguyễn Viễn và nhà số 69/3 ấp hàng Dầu, đường Bùi Thị Xuân (gần cầu Sạn - Ông Tạ, quận Bình Thạnh ngày nay).

Tùy từng đợt, trung đội cử người vào cơ sở để in, phát truyền đơn và kêu gọi quần chúng xuống đường trong các đợt đấu tranh chính trị tại Sài Gòn. Ðiều mà địch khó lòng phát hiện ra ai là người in, rải truyền đơn ngay giữa nội thành, do trung đội được nhân dân nuôi, bảo vệ bí mật, an toàn. Ðầu năm 1965, năm đoàn viên trung đội và ba đoàn viên Ban Phụ vận được tham gia học lớp chính trị bảy ngày, do đồng chí Phan Ðình Lưu (Nguyễn Trung Kiên) lên lớp giảng tại Vũng Tàu. Qua lớp học, các anh đã giác ngộ từ thực tế của tình hình tại chiến trường.  Sau đó, trung đội đã tổ chức thành công được lõm căn cứ ở ba cơ sở: Khu ngã tư Bảy Hiền - Tân Bình; Khu Bà Quẹo - Tân Bình; Khu Ðồng Ông Cộ, xã Bình Hòa xưa để làm các nhiệm vụ tuyên truyền và vận động khi tham gia tác chiến ngay trong lòng địch.

Ðể xây dựng được lõm căn cứ trong sào huyệt Mỹ - ngụy, Chỉ huy lực lượng Biệt động, Ðại tá Nguyễn Ðức Hùng (Tư Chu) và Ban Phụ vận T4 chỉ đạo và giao cho bác sĩ Phan Ðình Lưu của Ðảng ủy 36 Chợ Sài Gòn, thay mặt Lực lượng Biệt động thực hiện công việc của một trung đội biệt động trong lòng Sài Gòn một cách kỹ lưỡng, bí mật tuyệt đối. Ðó là việc theo dõi chặt chẽ những tên ác ôn, nhiều nợ máu với nhân dân trong vùng; trừng trị những tên điệp báo, ác ôn khét tiếng; tham gia diệt ác, phá kềm... tạo khí thế cho cách mạng. Nhờ hoạt động ngay trong nội ô, nắm sát tình hình đối tượng, trung đội đã giáo dục, tuyên truyền số gia đình có con em bị bắt lính; vận động được cả một cảnh sát ngụy Sài Gòn trở thành cơ sở nội tuyến rất tích cực cho trung đội nắm nhanh tình hình, tác chiến ngay khi có lệnh.

Khi Trung ương Cục miền nam ra quyết định chuẩn bị cho tổng công kích Xuân Mậu Thân 1968, chấp hành theo sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Biệt động Thành, trung đội biệt động đã trở thành một mũi xung kích nhanh nhạy nhất trong lòng địch, sẵn sàng tham gia vào các trận đánh ngay tại các tuyến đường tại quận 1, quận 5. Ở nội ô Sài Gòn, trung đội biệt động Ðồng Ông Cộ đã phát động quần chúng tham gia 20 ngày tổ chức diễn thuyết, phát truyền đơn, thư chúc Tết của Bác Hồ cho nhân dân Sài Gòn, ngay trong lòng địch, tạo không khí người dân hướng về cuộc kháng chiến.

Trung đội biệt động Ðồng Ông Cộ thuộc Tiểu đoàn Biệt động Lê Thị Riêng, luôn nằm trong lòng quần chúng, nên xong trận đánh là anh, chị em lại trở về với cuộc sống đời thường, lại gánh nước, đi chợ, bửa củi, bán hàng rong... Vì thế địch dù mật thám, gián điệp giăng đầy, song hễ ai chui vào các đội Biệt động Thành là anh, chị em cho "tróc" ra hết. Nguyên tắc này đã giữ mãi đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng là bí mật - chắc thắng. Chính vì thế, đây cũng là điều thiệt thòi hiện nay của bộ đội Biệt động Thành khi giải quyết các chính sách của Ðảng, Nhà nước cho các liệt sĩ, thương bệnh binh. Nay dù có những chiến sĩ của trung đội biệt động Ðồng Ông Cộ, cũng như của tiểu đoàn Biệt động Lê Thị Riêng hy sinh trong các đợt tiến công, song giờ Ban Liên lạc Tiểu đoàn vẫn chưa làm xong hết thông tin của việc tìm từng cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, để đền đáp cho những người nằm xuống.