Trường trung học phổ thông đầu tiên ở Sài Gòn

NDO - Cách đây gần 130 năm, ngày 14-11-1874, Thống soái Nam Kỳ (Thiếu tướng hải quân Krantz) đã ký Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ về thành lập Trường Chasseloup - Laubat (Collège Chasseloup - Laubat) - nay là Trường trung học phổ thông Lê Quý Ðôn nằm đối diện về hướng bắc của Dinh Ðộc Lập - Dinh Thống Nhất TP Hồ Chí Minh.

Ngay từ khi người Pháp vào miền nam, sau 10 năm xây dựng cảng biển đầu tiên - Cảng Sài Gòn bây giờ vào năm 1862, thì ngôi trường trung học đầu tiên ở Sài Gòn đã được xây dựng trên một khuôn viên rộng bốn mặt đường lớn tại trung tâm Sài Gòn xưa. Trường lúc đầu có tên là Chasseloup - Laubat, tên của người giữ chức Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại vào thời kỳ ấy, tức cuối thế kỷ 19, mà còn được gọi là Bộ thuộc địa.

Từ khi thành lập vào cuối thế kỷ 19, trường đã dạy từ tiểu học đến tú tài (chương trình Pháp). Trường chia làm hai khu vực để dạy học sinh: Khu dành riêng học trò người Pháp..., gọi là Quartier Européen; khu dành cho học trò Việt có học thêm giờ Tiếng Việt, gọi là khu bản xứ (Quartier Indigène). Khu học chương trình Pháp và thi tú tài Pháp, dạy bằng tiếng Pháp nằm sát bên khu dành cho học trò Việt. Ðến năm 1958, trường đổi tên là Lycée Jean - Jacques Rousseau  - là tên một nhà trí thức Pháp trong phong trào "Ánh Sáng" thế kỷ XVIII. Truyền thống yêu nước được biểu hiện ngay từ khi Trường còn đặt dưới sự quản lý của người Pháp với việc học sinh viết lên bảng 4 chữ A.B.L.F (viết tắt câu "A bas les Francais" nghĩa là "Ðả đảo thực dân Pháp") trong một lần học sinh của trường đứng lên bãi khóa để tang nhà chí sĩ Phan Chu Trinh (mất năm 1926).

Sau ngày giải phóng, trường vẫn là một nơi đào tạo học sinh chất lượng cao của TP Hồ Chí Minh. Năm 1966, theo đề nghị của Sở Giáo dục và Ðào tạo, trường đổi tên thành Trường PTTH Lê Quý Ðôn - mang tên nhà bác học nổi tiếng của Việt Nam từ thế kỷ 18 -  (tên đó mang đến nay). Sau ngày đất nước thống nhất, trường đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong mọi hoạt động về dạy và học và nay là một trường trung học phổ thông công lập được chọn thí điểm tự chủ về tài chính đào tạo học sinh chất lượng cao. Năm học 1997 - 1998, trường đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng ba - phần thưởng cao quý của Ðảng, Nhà nước.

Từ khi thành lập, là trường trung học có sớm nhất của Nam Bộ và cả nước, cho nên  thu hút được nhiều học sinh ưu tú của Nam Bộ mà sau này nhiều người đã thành đạt và còn vang danh cho tới ngày nay. Ðó là các nhà khoa học lớn: giáo sư Trần Văn Giàu, nhà sử học, văn hóa học Vương Hồng Sển, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (nguyên Bộ trưởng  Y tế), nhân sĩ Cao Triều Phát, Phan Văn Chương, giáo sư, viện sĩ Trần Ðại Nghĩa, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng ban Việt kiều Trung ương), và cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã học trong thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... Tên tuổi của nhiều học sinh làm sáng danh ngôi trường đầu tiên đó và mãi là niềm tự hào cho lớp lớp các thế hệ học sinh của trường sau này.