Tiếp quản Ðài Truyền hình Sài Gòn trong giờ phút lịch sử

NDO - Ðã 37 năm Ngày miền nam giải phóng, nhưng Nhà báo Hồ Vĩnh Thuận, vẫn nhớ như in từng chi tiết thời khắc trưa 30-4-1975, Ðoàn tiếp quản vào tiếp quản Ðài Truyền hình Sài Gòn...

11 giờ 30 phút, ngày 30 - 4-1975, sau sự kiện hai chiếc xe tăng 390 và 384 của Ðại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203 quân giải phóng, đầu tiên vào tới Dinh Ðộc Lập thì cả đoàn nhà báo cũng tranh thủ những thời khắc lịch sử đó để ghi lại những thước phim về sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc - giải phóng Sài Gòn và miền nam sau 117 năm dưới ách kẻ thù. Nhà báo Hồ Vĩnh Thuận kể, lúc đó, anh em tranh thủ theo từng thời khắc, máy thì cũ kỹ đem từ trong rừng ra, song được anh em bộ đội ta ủng hộ hết mình cho nên những tư liệu báo hình thời kỳ đó là cực kỳ có giá trị cho những ngày đầu phát hình sau khi Ðoàn tiếp quản Ðài Truyền hình Sài Gòn làm nhiệm vụ. Tại Dinh Ðộc Lập vào thời khắc 11 giờ đến 12 giờ trưa ngày 30-4, để quay những thước phim tư liệu đầu tiên đó, phóng viên quay phim Kha Khâm, cùng các nhà báo từ Hà Nội vào cùng quân giải phóng như Lê Minh Hiền, Nguyễn Văn Ðiểm... đã được bộ đội hướng dẫn để quay những cảnh đầu tiên của Nội các Sài Gòn ra đầu hàng, cùng những hoạt động buổi đầu của Dinh Ðộc Lập - trung tâm đầu não ngụy quyền vừa được giải phóng, chuẩn bị cho những giờ phút phát hình đầu tiên.

Sau nhiệm vụ quay phim, ghi tư liệu ở Dinh Ðộc Lập vừa giải phóng, sau 12 giờ, cả Ðoàn tiếp quản Ðài Truyền hình Sài Gòn lên xe chạy thẳng về hướng đài, cách Dinh Ðộc Lập chỉ một km. Lúc đó lực lượng vào tiếp quản đài gồm ông Thanh Nho, đại diện cho Ðài Phát thanh, và gần 20 người của Ðài Phát thanh Giải phóng mà Ban Tuyên huấn T.Ư Cục miền nam cử đi, do nhà báo Hồ Vĩnh Thuận làm trưởng đoàn. Lúc này cổng Ðài truyền hình vẫn mở, đoàn xe của các nhà báo chạy thẳng vào trong sân. Tại tiền sảnh đài (phía đường Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ), còn nhiều người đứng chờ đoàn tiếp quản của cách mạng vào bàn giao máy móc, tư liệu, hình ảnh... Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 30-4, phụ trách nội dung và quản lý đài, đại tá ngụy quyền Sài Gòn Lê Minh Hòa cùng anh em kỹ thuật viên, phát thanh viên vẫn đông đủ để bàn giao lại đài cho các nhà báo của Ðài Phát thanh Giải phóng. Một hình ảnh đẹp trong giờ phút ta tiếp nhận, là từ người quản lý đài và các nhân viên kỹ thuật, nội dung, tất cả đều có mặt và bảo vệ đài nguyên vẹn.

Công việc đầu tiên của đoàn tiếp quản Ðài Truyền hình Sài Gòn là tiếp nhận những thông số của máy móc phát, các nguyên phiên bản phim, hình ảnh tư liệu, kiểm tra tình trạng máy phát điện, máy phát hình,... rất nhiều công việc cần kíp của ngày 30-4. Song có một vấn đề không nhỏ chút nào, là từng nhân viên kỹ thuật, phát thanh viên - họ thật sự là những người cộng sự không thể thiếu vắng bất kể giờ phút nào trong buổi phát hình đầu tiên đó. Chị Mỹ Hạnh, phát thanh viên của Ðài Truyền hình Sài Gòn - nay đã về hưu, tình nguyện ở lại phục vụ Ðài Truyền hình Giải phóng sau đó cả hơn chục năm tại đài; cùng biên tập viên Nguyễn Hữu Phước, anh Thứ - phụ trách kỹ thuật đài phát... là những người làm báo đã rất tận tâm ở cả trong cơ quan đài cả chiều, tối 30-4 để cùng lo cho buổi phát hình đầu tiên của Ðài Truyền hình Giải phóng vào tối 1-5.

Ðiều rất kịp thời cho Ðài Truyền hình là sáng ngày 1-5, trong buổi giao ban của Ủy ban Quân quản thành phố do Thượng tướng Trần Văn Trà chủ trì, Phó Giám đốc Ðài Truyền hình Giải phóng Hồ Vĩnh Thuận báo cáo Ủy ban Quân quản về nguy cơ không có điện để phát hình buổi đầu tiên. Thượng tướng Trần Văn Trà chỉ đạo, lệnh cho đơn vị dự trữ quân đội lấy số dầu đang dự trữ của bộ đội tăng - thiết giáp Quân đoàn 4 đang có mặt ở Sài Gòn đổ đầy dầu cho kho dự trữ của Ðài Truyền hình Giải phóng phát hình.

Cũng trong sáng 1-5 anh, chị em Ðài Truyền hình Sài Gòn cũ (trước ngày 30-4 gọi là Tổng cục Phát thanh - Truyền hình - Ðiện ảnh Sài Gòn - trực thuộc Tổng Nha tâm lý chiến Ngụy quyền Sài Gòn), đã đến tập trung đầy đủ trước sân chính của đài, để Ban Giám đốc đài mời vào phòng phim trường khá rộng, gặp gỡ buổi đầu tiên ngày Sài Gòn được tự do. Ban Giám đốc đài đã nói rõ chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Chính quyền. Sau đó, mỗi người nhận một bản kê khai mẫu giấy "Lưu dụng", để các nhà báo hình kê khai đầy đủ. Trong số CB-CNV ở lại đài sau trưa 30-4, có đến ba phần tư là hạ sĩ quan làm chuyên môn kỹ thuật và lực lượng sĩ quan bảo vệ đài. Nhờ có giấy thông hành "Sĩ quan trù bị" của chế độ cũ để lại, được Ban Giám đốc Ðài trình bày với Công an thành phố, anh em đi lại làm nhiệm vụ chuẩn bị hình ảnh, tư liệu cho buổi phát hình đầu tiên tối 1-5 thuận lợi hơn.

Tại buổi phát hình đầu tiên tối 1-5-1975 bắt đầu từ 19 giờ, Ðài Truyền hình Giải phóng, do phát thanh viên Mỹ Hạnh đọc thông báo của Ủy ban Quân quản thành phố về những nhiệm vụ trước mắt tại Sài Gòn - Gia Ðịnh, cùng thông báo của Ban Giám đốc Ðài Truyền hình Giải phóng về lịch phát hình, thời lượng phát hình từ ngày 1-5-1975, khi Sài Gòn hoàn toàn về tay nhân dân.

Thời lượng phát hình buổi đầu tiên đó chỉ có một giờ đồng hồ, song đã để lại trong lòng nhân dân TP Hồ Chí Minh và cả miền Nam những hình ảnh sống động, đáng quý của một Thành phố lớn nhất cả nước lúc bấy giờ, ngày đầu thuộc về nhân dân rồi cùng bao nhiêu năm tháng đến với nhân dân miền nam và cả nước những tin tức, hình ảnh kịp thời, sống động của cuộc sống để công chúng Sài Gòn và cả nước ta cùng bạn bè quốc tế hiểu về một Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng đến nay.