Tam Giác Sắt của vùng đất miền Ðông Nam Bộ Anh hùng

NDO - Năm vừa qua, tại xã An Tây, huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tổ chức khởi công xây dựng tượng đài thuộc Khu di tích Ðịa đạo Tam Giác Sắt, khu căn cứ đã trải qua một thời kỳ dài quân, dân ta đánh bại từng bước chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Ðịa danh Tam Giác Sắt là niềm tự hào của quân dân Sài Gòn và miền Ðông Nam Bộ Anh hùng trong suốt những năm từ 1960 đến 1972. Về tên địa danh Tam Giác Sắt (đế quốc Mỹ đặt là: Iron Trianggle) là tam giác với các đỉnh: thị tứ Bến Súc, thị trấn Bến Cát và một điểm trên sông Thị Tính (gần chỗ gặp sông Sài Gòn), bên kia là huyện Củ Chi - căn cứ địa kháng chiến trong lòng dân suốt nhiều năm liền của Ðảng bộ Sài Gòn và Trung ương Cục miền Nam. Ðịa điểm này bao trùm phần đất liền nhau của ba huyện Củ Chi - Bến Cát - Trảng Bàng, cách sông Sài Gòn từ 30 đến 50 km về phía bắc - tây bắc, ở vị trí trung gian giữa hai chiến khu lớn của miền Ðông Nam Bộ: Chiến khu D và Chiến khu Dương Minh Châu. Riêng trên địa phận huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương), Tam Giác Sắt nằm trên vùng đất của ba xã An Ðiền, An Tây và Phú An, thuộc phía tây nam Bến Cát, nên thường được gọi là Ðịa đạo Tây Nam Bến Cát. Nơi đây từng là căn cứ của Huyện ủy Bến Cát, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một và Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh...

Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh và Trung ương Cục miền Nam chọn làm địa bàn hoạt động, chỉ đạo kháng chiến nhiều năm, cho nên từ năm 1960 (bắt đầu từ kế hoạch Xta-lây Tay-lo) đến cuối năm 1966, Mỹ, ngụy đã thực hiện nhiều cuộc hành quân càn quét vào địa bàn của Tam Giác Sắt. Từ đó, Tam Giác Sắt trở thành chiến trường của những cuộc đọ sức quyết liệt.

Với hệ thống địa đạo nối liền ba xã dài khoảng 70 km, những trận đánh "xuất quỷ - nhập thần" đã làm chìm hàng trăm xác tàu giặc trên sông Sài Gòn; những trận đánh từ ô ụ, địa đạo chiến đấu tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ ngụy, phá hủy xe tăng, xe bọc thép của địch bằng vũ khí tự tạo..., làm cho đội quân viễn chinh Mỹ phải khiếp sợ mỗi khi đặt chân đến vùng đất lửa này. Không tiến công được bằng bộ binh cho nên ngày 18-6-1965, lần đầu trong chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ và quân đội ngụy quyền Sài Gòn đã sử dụng 27 máy bay B52 xuất kích từ đảo Gu-am, rải bom xuống ấp Bờ Cảng và Trảng Lớn (thuộc xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Sau nhiều lần chống càn quét, đánh phá, quân và dân ta đã cùng du kích vùng Tam Giác Sắt  loại khỏi vòng chiến hơn 3.000 tên địch, làm thất bại các cuộc hành quân lớn với đủ thứ trực thăng, xe tăng, bọc thép... của quân ngụy và đế quốc Mỹ xâm lược. Ta thắng từng trận càn của chúng, vì lực lượng cách mạng ta luôn luôn có chỗ dựa vững chắc trong lòng dân, họ có thế trận của chiến tranh nhân dân mà địa đạo là một trong những sáng tạo độc đáo của nhân dân ba xã tây nam Bến Cát và cả vùng đất Củ Chi. 

Khu di tích địa đạo Tam Giác Sắt đã được công nhận di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia từ năm 1996. Trên diện tích 17,7 ha, năm 2010, Khu di tích địa đạo Tam Giác Sắt đã được UBND tỉnh Bình Dương đầu tư với tổng số vốn hơn 225 tỷ đồng để xây dựng tượng đài và các hạng mục công trình gồm ba phần chính: xây dựng dân dụng; hạ tầng kỹ thuật và mỹ thuật của tượng đài khu di tích địa đạo Tam Giác Sắt. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2012, để nhân dân trong và ngoài nước về đây kính viếng, tưởng nhớ đến những người đã anh dũng hy sinh bảo vệ vùng đất này.