Nhà sưu tầm, nghiên cứu Vương Hồng Sển

NDO - Tại TP Hồ Chí Minh có một nhà nghiên cứu hiện đang đứng hàng đầu cả nước về sưu tầm những cổ vật của các loại hình văn hóa người Việt - Khmer  - Hoa trên nhiều phương diện. Ông là nhà nghiên cứu đáng kính - cụ Vương Hồng Sển, mà nay ai đến hỏi về những chuyện xưa của Sài Gòn, nếu nhìn thấy bộ sưu tập những cổ vật quý của cụ, sẽ hiểu thêm nhiều điều thú vị về Sài Gòn xưa.

Cụ Vương Hồng Sển sinh ngày 27-9-1902 tại tỉnh Sóc Trăng, mang ba dòng máu Việt, Hoa và Khmer. Ông có tên thật là Vương Hồng Thạnh hay Vương Hồng Thịnh, là một học sinh chăm ngoan học giỏi có tiếng từ tuổi thiếu nhi. Thời học sinh, ông học tại Trường Collège Chasseloup Laubat (nay là Trường phổ thông trung học Lê Quý Ðôn tại quận 3). Sau khi đậu bằng Brevet Elémentaire, ông làm công chức ngạch thư ký và phục vụ nhiều nơi từ năm 1923 đến 1943, trong đó có phục vụ trong dinh Thống đốc Nam Kỳ (từ năm 1939 đến 1943). Từ năm 1948, ông làm Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn cho đến khi về hưu vào năm 1964 và sống tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Theo nhiều nhà sưu tầm cổ vật tại TP Hồ Chí Minh, cụ Vương Hồng Sển là người ham mê đọc sách và rất chú tâm ham thích ghi chép tất cả những điều mắt thấy, tai nghe khi làm việc hay sau này đã về hưu. Chính vì thế, kho cổ vật mà trong suốt cuộc đời, ông đã rất chú tâm sưu tầm khi mất, đã được để lại cho hậu thế hơn 800 cổ vật. Trong những bộ kỷ vật quý đó, có nhiều cổ vật độc đáo, nhất là các đồ gốm men xanh - trắng thế kỷ từ 17 đến 19 đã vào Nam Bộ từ lâu đời. Từ sự kỳ công sưu tầm của ông, mà đã góp phần rất xứng đáng cho việc xác định niên đại và phân loại một số đồ gốm cũng như hướng dẫn kỹ năng ban đầu cho những người thích sưu tầm đồ cổ, của các cơ quan bảo tàng tại thành phố. Sự dày công trong lưu giữ các cổ vật cùng nhiều công trình nghiên cứu về Sài Gòn xưa của ông đã được giới chuyên môn khoa học lịch sử và cổ vật cả nước đánh giá cao. Cho tới nay, tại TP Hồ Chí Minh và cả nước, chưa có nhà cổ vật nào có thời gian sưu tầm và lưu giữ nhiều cổ vật xa xưa về Nam Bộ như cụ Vương Hồng Sển.

Phần lớn những tác phẩm của ông là những tài liệu dưới dạng hồi ký mà ông còn giữ gìn được của hàng chục năm làm Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn. Những nhà phê bình nhận xét về văn của ông Vương Hồng Sển như nhà văn Sơn Nam đã nhận xét: "Những gì ông viết ra nhưng trăng trối, có khi chỉ là chuyện lụn vụn "tào lao", "loạn xà ngầu", nhưng với những người đến sau, nó mang một giá trị to lớn, nó chất chứa những niềm say mê và quyến rũ khoa học thật lạ lùng".

Sau khi về hưu, ông chuyên sưu tập các loại gốm sứ cổ, các hiện vật khảo cổ về hát bội, cải lương và cộng tác với Ðài Phát thanh Sài Gòn với các bút hiệu: Anh Vương, Vân Ðường, Ðạt Cổ Trai. Ngoài ra, ông còn khảo cứu về các trò chơi dân gian cổ truyền: như đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng kiểng, nghệ thuật chơi cổ ngoạn, nghiên cứu về chuyện tiếu lâm xưa và nay, cho nên ông là người rất sành về đồ cổ của các nền văn hóa phương Ðông. Có thể nói, ông là một kho tàng sống về các lĩnh vực kể trên, để lại cho chúng ta nhiều điều đáng quý khi nghiên cứu về Sài Gòn và Nam Bộ xưa.

Ngoài ra, những ai muốn biết và hiểu về lịch sử miền nam sẽ tìm thấy trong các tác phẩm của ông một nguồn tài liệu thật bổ ích qua nhãn quan của một chứng nhân đã làm việc từ trước những năm Sài Gòn được giải phóng của thế kỷ 20. Ông đã để lại những tác phẩm nghiên cứu, khảo cứu đáng quý, như: Thú chơi sách (1960); Sài Gòn năm xưa (tập I, II 1960, III 1992); Hồi ký 50 năm mê hát (1968); Phong lưu cũ mới (1970); Thú xem chuyện Tàu (1970); Thú chơi cổ ngoạn (1971); Chuyện cười cố nhân (1971); Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa (1972); Cảnh Ðức trấn đào lục (1972); Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn (1972); Hơn nửa đời hư (1992); Tạp bút năm Nhâm Thân (1992); Khảo về đồ sứ từ hậu Lê đến sơ Nguyễn (1993); Những đồ sứ do đi sứ mang về (1993); Những đồ sứ khác: Quốc dụng, Ngự dụng... (1993); Tạp bút năm Quý Dậu (1993); Tự vị tiếng Việt miền nam (1994); Nửa đời còn lại (1995); Thú ăn chơi; Khảo về hát bội... cùng với nhiều tác phẩm đã đăng trên các tạp chí khoa học, báo chí khác.

Ông mất ngày 9-12-1996, tại thành phố, thọ 94 tuổi. Ngôi nhà mà ông ở trước khi từ trần đã được ông tặng cho TP Hồ Chí Minh để xây dựng thành một bảo tàng cho người dân thành phố biết về Sài Gòn xưa - nay.