Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và những ca khúc nặng tình đất nước

NDO - Nhạc sĩ Hoàng Hiệp là  người có những khúc ca nổi tiếng về lịch sử đất nước. Nhiều nhạc sĩ lão thành ở TP Hồ Chí Minh cũng như trên cả nước đều hâm mộ tài năng, đức độ của nhạc sĩ tài ba này.

Mới đây, có dịp gặp nhạc sĩ Hoàng Hiệp, ông cho biết: 57 năm trước, khi ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ, là thời điểm nhạc sĩ đang đi thực tế ở vĩ tuyến 17 và các tỉnh miền trung. Về tới sông Hiền Lương, con sông tuyệt đẹp, mà người Quảng Trị gọi là sông Bến Hải ông đã hỏi kỹ ý nghĩa lịch sử của con sông này. Sau chuyến đi thực tế xa xôi đó không lâu, bài ca nổi tiếng Câu hò bên bờ Hiền Lương được ra đời. Bài ca này lần đầu do nghệ sĩ Văn Hanh thể hiện và đến nay, sau gần 60 năm, vẫn tràn đầy niềm xúc động.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn. Ông sinh ngày 1-10-1931 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Hơn 60 năm cầm bút sáng tác, nhạc sĩ đi về các vùng đất - con người từng in đậm dấu ấn.  Năm 1957, bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương sáng tác chung với nhạc sĩ Ðằng Giao là điểm khởi đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của Hoàng Hiệp. Kể cả sau này, với vai trò là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ TP Hồ Chí Minh khóa 2, rồi Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Thành phố khóa 3, song với ông, sự nghiệp sáng tác vẫn là tất cả. Việc ghi lại dấu ấn lịch sử của mỗi vùng đất, con người trên mọi miền quê hương, đất nước với ông vẫn là trên hết.

Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội, ông đã đi đến nhiều vùng tuyến lửa, viết hơn 100 bài hát. Nhiều bài trong đó được coi như bản tình ca, ca ngợi cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của dân tộc như:  Lá đỏ, Trường Sơn Ðông - Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông hay Ngọn đèn đứng gác... Những bài ca của ông đọng lại với đời, ghi dấu ấn sâu sắc là tính nhân bản, lòng nhân ái.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoàng Hiệp vào sống và sáng tác tại TP Hồ Chí Minh. Ðây là thời kỳ tư duy sáng tác đang độ chín, đa dạng. Ngoài ca khúc, nhạc phim, sân khấu, múa, nói chung là khí nhạc với khoảng hơn 100 tác phẩm, phần ca khúc khác của ông cũng chiếm con số vài ba trăm. Ca khúc giai đoạn này chia làm hai hướng. Hướng kế thừa truyền thống cách mạng 20 năm trước như: Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội, Sao anh không kể, Tổ Quốc mà không có, Ðồng Nội, Khúc thơ tình cho người lính biển, Thành phố tôi yêu, Hoa Hồng, Trở về dòng sông tuổi thơ... Ðó là những bài hát nặng tình quê hương, đất nước và đây là một trong hai đề tài chủ đạo trong sự nghiệp sáng tác của ông.

Ðất nước và dân tộc luôn là điều nhạc sĩ tâm niệm để có những khúc ca sâu lắng. Sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp cho tới nay  có hơn 400 bài hát, ca khúc cách mạng nổi tiếng. Riêng chừng  200 ca khúc được nhạc sĩ sáng tác từ những năm đầu kháng chiến tới ngày giải phóng miền nam là chùm ca khúc được công chúng biết tới nhiều nhất và nhiều người nhớ nhất khi đặt chân tới miền Nam.  Có thể kể đến một loạt các bài hát nổi tiếng thơi đó như: Lá đỏ, Trường Sơn Ðông - Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về, Nơi anh gặp em... Bài ca nào của Hoàng Hiệp cũng đầy chất thơ, chất nhạc dân tộc; như thấm vào máu thịt, như từ thuở nào, khi ông chưa ra miền Bắc tập kết. Và ông là thế hệ nhạc sĩ đầu tiên được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000).