Nhà in Giải Phóng Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh

NDO - Ðầu năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lan rộng, Quận bộ Việt Minh Gò Vấp, thuộc Tỉnh ủy Gia Ðịnh chủ trương thành lập một cơ sở in ấn phục vụ trực tiếp cho công tác tuyên truyền kháng chiến. Ngày đầu thành lập, cơ sở in ấn thiếu thốn đủ bề, chỉ có một thùng thiếc chứa chữ chì; còn giấy, bàn in hoàn toàn không có. Và người phụ trách cơ sở in ấn đầu tiên này, lúc ấy là một cán bộ trẻ, đó là ông Lữ Văn Tám, còn gọi là Tám Gân, cùng với ba cán bộ khác trong đơn vị.

Mới đầu, Nhà in được giao in các tài liệu đơn giản, sau đó báo "Cứu Quốc", báo "Ðấu tranh cho hòa bình, thống nhứt Tổ quốc" và cuối năm 1948, Tỉnh ủy Gia Ðịnh lập thêm Nhà xuất bản "Lê Hồng Phong - Hà Huy Tập", giao cho Nhà in chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác in ấn tại nhà xuất bản này. Việc in ấn đều thực hiện dưới hầm bí mật, không có điện, chỉ có đèn cầy, đèn dầu lửa. Song Nhà in đã hoàn thành mọi nhiệm vụ. Năm 1951, thực dân Pháp về đóng tại bót ở xã An Nhơn Tây. Nhà in phải di chuyển máy móc, thiết bị in trong tình hình chiến sự căng thẳng về núi Bà Ðen - Tây Ninh. Tình hình khó khăn là các loại vật tư in ấn đều phải mua từ nội thành, trong khi đó  địch kiểm soát,  phong tỏa rất kỹ vùng đất từ núi Bà Ðen đến Sài Gòn .

Ðến cuối năm 1959 đầu năm 1960, khi phong trào Ðồng Khởi nổ ra, lan rộng, Nhà in được chuyển sang trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh. Lúc này Nhà in chỉ có bốn người với 100 kg chữ chì, một máy cây, để phục vụ in ấn báo chí, tài liệu bí mật, tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên huấn Khu ủy giao. Từ năm 1960, Nhà in được Khu ủy củng cố lại, vẫn lấy cơ sở nhà in cũ thuộc Tỉnh ủy Gia Ðịnh làm nòng cốt. Cán bộ gồm các đồng chí: Lữ Văn Tám, Lê Văn Hoàng (Tư Hà), Trần Văn Tuấn (Ba Nhỏ), Út Rồi (Phong) do đồng chí Lữ Văn Tám làm trưởng Nhà in. Ðịa điểm để Nhà in đóng là khu rừng Sến - Hố Bò, xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi. Từ tháng 10-1960, Nhà in được tăng cường thêm hai cán bộ của Sở Thông tin Nam Bộ phái vô nội thành hoạt động, nay được rút ra, Nhà in đã liên lạc được với cơ sở in ở nội thành do đồng chí Nguyễn Văn Tư (Tư Cao) làm đầu mối để mua thêm chữ chì, máy in, mở rộng việc in ấn tài liệu, báo chí tuyên truyền phục vụ kháng chiến. Từ năm 1961, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lan rộng toàn miền Nam, yêu cầu in ấn tài liệu phục vụ kháng chiến càng nhiều. Dù phải thường xuyên đối phó với địch, di chuyển liên miên, từ phía tây sông Sài Gòn đến Kiến An, Bàu Lách, An Thành... song cán bộ Nhà in vẫn giữ bí mật đến cùng với các loại tài liệu, máy móc, con người của Ðảng.

Vào giai đoạn chiến tranh Cục bộ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ năm 1965 đến 1968, Nhà in được Ban Tuyên huấn Khu ủy bổ sung 21 cán bộ, công nhân viên. Nhà in phải tổ chức, sắp xếp lại lực lượng để phục vụ kịp thời, an toàn, bí mật các loại tài liệu, giấy tờ. Lúc này Nhà in được giao in thêm các báo: "Giải Phóng", "Cờ Gia Ðịnh", Tập san "Trí thức mới"... Ngoài căn cứ chính là B.1 đóng ở khu rừng Lộc Thuận - Trảng Bàng - Tây Ninh, Nhà in được Khu ủy cho thành lập thêm hai bộ phận nữa là B.2, đóng ở rừng Cây Sọp, Củ Chi, do đồng chí Trần Văn Tuấn (Ba Nhỏ) phụ trách; B.3 đóng ở Bầu Cây Trâm, Bến Cát, Bình Dương do đồng chí Nguyễn Văn Ðột (Bảy Lợi) phụ trách.

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, khi tổ nhà in tiền phương ở nội thành đang bám trụ ở Gò Vấp, do đồng chí Sáu Công (Tài) phụ trách không may bị địch phát hiện, anh em trong tổ bị tổn thất nặng, thì các bộ phận trong các địa bàn chính vẫn bám trụ, bảo đảm việc in ấn thường xuyên, an toàn tài liệu phục vụ cho Khu ủy. Nhiều cán bộ,  công nhân viên vừa làm chuyên môn in ấn tài liệu, vừa đánh trả các trận càn của địch. Nhiều cán bộ Nhà in đã chiến đấu đến cùng, anh dũng hy sinh.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước càng bước vào thời điểm ác liệt, thì lãnh đạo Nhà in cùng tập thể cấp ủy phải đi thực địa, tìm địa điểm an toàn để chỉ đạo công tác di chuyển, mà khó nhất là vừa bảo đảm an toàn, nghi trang để tránh địch vừa bảo toàn bí mật các loại tài liệu Khu ủy, các thiết bị, giấy in... Từ năm 1970 - 1975, một số cán bộ được Ban Tuyên huấn Khu ủy đưa sang tuyến sau, để xây dựng căn cứ in tại Dương Minh Châu (Tây Ninh); tiếp tục vừa bám trụ, vừa phục vụ cuộc chiến đấu ác liệt. Cán bộ,  công nhân viên Nhà in đã chống chọi các trận càn, tập kích; bảo đảm in tài liệu kịp thời phục vụ từng đợt triển khai của Khu ủy, phục vụ kháng chiến đến ngày thắng lợi.