Người chiến sĩ Biệt động Sài Gòn dũng cảm

NDO - Về xã Long Hồ, nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, người dân ở đây vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện về người chiến sĩ Biệt động thành, Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ðang, người con sinh ra từ vùng quê này.

Anh Trần Văn Ðang sinh năm 1942, có bí danh là Sang, xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, mồ côi cha từ nhỏ, mấy mẹ con tần tảo nuôi nhau trên vùng đất miền tây. Lớn lên, cảnh sống ở quê hương rất cùng cực, anh Ðang phải lần bước lên Sài Gòn theo người chú ruột để kiếm sống. Ban đầu, anh làm nghề phụ xe, rồi chuyển sang nghề thợ điện. Thời gian đầu mới bước vào nghề, anh làm công cho một vài tiệm đồ điện ở quận Phú Nhuận, Gò Vấp rồi khi nghề nghiệp vững tay hơn,   tự đi sửa chữa điện tại nhiều vùng khác, kể cả sạc bình ắc-quy.

 Khi chưa có gia đình, anh Ðang thường tá túc trong nhà người chú ruột là một đảng viên Ðảng Cộng sản hoạt động bí mật ở nội thành. Chính ông đã hướng dẫn anh Ðang đi làm cách mạng và cũng chính ông đã đưa anh vào lực lượng vũ trang ở nội thành, hoạt động trong Ðội biệt động thành với bí danh là Sang,  vào tháng 3-1964.

Qua thời gian được thử thách, học tập chính trị và quân sự tại căn cứ của lực lượng ở huyện Củ Chi, anh được cấp trên giao nhiệm vụ đánh mìn Câu lạc bộ sĩ quan Mỹ ở nhà số 3 đường Võ Tánh, quận Tân Bình, Sài Gòn trước đây.

 Qua điều tra, nghiên cứu nhiều ngày, anh đã nắm được quy luật ra, vào của bọn sĩ quan và phi công Mỹ ở "Câu lạc bộ sĩ quan" cho nên  dự tính dùng 10 kg thuốc nổ cực mạnh, cho nổ áp sát vào bức tường "Câu lạc bộ sĩ quan" nhằm phá tung cả khu nhà mà bọn sĩ quan và phi công Mỹ thường lui tới để giải trí, giải khuây.

Ðiều không may cho anh và tổ chức Biệt động thành là tên lái chiếc xe chở anh đi đánh trận đó đã bị "chiêu hồi" mà tổ chức ta vẫn chưa hay. Trước khi chở Trần Văn Ðang đi, hắn  mật báo cho cảnh sát ngụy quyền Sài Gòn kế hoạch đánh mìn của anh. Vì thế, khi chiếc xe chở anh vừa dừng lại điểm tác chiến, anh đang lên dây đồng hồ  hẹn giờ báo nổ và cũng không quên gắn thêm một kíp nổ đề phòng đồng hồ trục trặc thì bọn cảnh sát ập đến. Chúng bắt Trần Văn Ðang ngay giữa trưa ngày 20-3-1965.

Trong một phiên tòa đặc biệt chiều 9-4-1965, anh Trần Văn Ðang bị Mỹ - ngụy kết án tử hình. Tại phòng giam của những người tử tù ở khám Chí Hòa, anh đã sống những ngày cuối cùng với đồng đội, trong đó có Nguyễn Văn Hai, tức Ba Thợ Mộc, cũng là một chiến sĩ Biệt động thành  tham gia trận đánh Sứ quán Mỹ vào ngày 30-3-1963 và cũng bị Mỹ - ngụy kết án tử hình như anh. Hằng ngày anh phải chăm sóc sức khỏe cho anh Ba Thợ Mộc do bị vết thương nặng. Trong phòng biệt giam  Trần Văn Ðang vẫn kiên quyết không khai báo.

  5 giờ 30 phút ngày 22-6-1965, bọn gác ngục đưa Trần Văn Ðang ra pháp trường. Dù biết cái chết đang gần kề từng phút, anh vẫn không  hề nao núng. Từ phòng tử tù, anh ôm theo mọi đồ dùng cá nhân và ung dung đi ra pháp trường trong tư thế của một người lính Biệt động thành chiến thắng.

 Ðồng bào Sài Gòn tập trung chung quanh khu vực chợ Bến Thành hôm đó hết sức xúc động và thán phục một chiến sĩ biệt động thành còn quá trẻ  - 23 tuổi - đến pháp trường với một tư thế hiên ngang, không có chút nào biểu lộ sự hoang mang, sợ hãi.

 Trên pháp trường, Trần Văn Ðang đã la lớn: "Phải để tôi thấy đồng bào tôi". Anh yêu cầu được nói chuyện với đồng bào. Chúng không đáp ứng yêu cầu của anh. Anh không cho chúng bịt mắt và hô lớn "Ðả đảo đế quốc Mỹ", "Hồ Chủ tịch muôn năm", "Ðả đảo đế quốc Mỹ", "Hồ Chủ tịch muôn năm"... Những lời hô của anh như đọng lại trong lòng người Sài Gòn sáng ấy. Cùng với Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, cái chết của chiến sĩ Biệt động thành Sài Gòn Trần Văn Ðang đã thức tỉnh hàng triệu người yêu nước dấy lên phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy ngày càng mạnh mẽ, liên tục trên đất Sài Gòn và toàn miền nam.

Sự hy sinh và thái độ anh dũng hiên ngang trước kẻ thù của liệt sĩ Trần Văn Ðang đã tác động đến hàng triệu trái tim thanh niên Việt Nam và thế giới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bác Hồ, lúc còn sống trong thư gửi thế hệ trẻ cả nước tháng 10-1966 đã động viên thanh niên học tập gương Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và Trần Văn Ðang.

Sau ngày đất nước thống nhất, vợ và các con anh vẫn ở lại sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Các con anh  tiếp bước theo cha mình để cùng tuổi trẻ thành phố giữ gìn và phát huy những chiến công thầm lặng của tuổi trẻ Sài Gòn năm xưa. Ngày 6-11-1978, Ðảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Trần Văn Ðang. Tên  anh nay đã được nhân dân TP Hồ Chí Minh đặt cho một con đường tại trung tâm quận 3, để nhắc nhở thế hệ trẻ luôn nhớ về những tấm gương sáng  chói, đã hy sinh cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.