Nơi tái hiện "Ðất thép Thành đồng"

NDO - Trong tác phẩm "Chân trần - Chí thép" (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh năm 2011), cựu trung tá thủy quân lục chiến Mỹ James G. Zumwalt  đã khẳng định đường mòn Hồ Chí Minh và địa đạo Củ Chi là hiện thân của "chí thép" Việt Cộng.

Cựu trung tá này còn nhận xét: 'Sự sáng tạo của Việt Cộng tại Củ Chi không chỉ giới hạn trong phạm vi hệ thống địa đạo. Họ còn làm bẫy đặt trên mặt đất ở những lối dẫn tới đường hầm. Nếu người Mỹ sáng tạo ra phương cách phát hiện bẫy, du kích sẽ thay đổi loại bẫy hoặc cách thức đặt bẫy. Bẫy thường được giăng ra ở những nơi có nhiều khả năng trực thăng Mỹ sử dụng làm bãi đáp'.

Những mét hầm địa đạo đầu tiên ở Củ Chi xuất hiện vào năm 1948 ở hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Ban đầu, địa đạo chỉ là nơi cất giấu tài liệu, vũ khí và trú ém của cán bộ vùng địch hậu. Từ năm 1961 trở đi, chiến tranh ngày càng ác liệt, địa đạo được phát triển ra năm xã phía bắc Củ Chi rồi hình thành một hệ thống đường ngầm trong lòng đất. Toàn bộ hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân địch đã mở nhiều cuộc tiến công quy mô lớn vào Củ Chi và vùng lân cận, điển hình là hai cuộc hành quân mang tên Crimp (cái bẫy) và Cedarfall (bóc vỏ trái đất) bằng đủ loại vũ khí, bom pháo hạng nặng cùng nhiều binh chủng tham gia... nhưng chúng đều thất bại. Suốt hai cuộc chíến tranh, quân địch đã thiệt hại tại 'Ðất thép thành đồng' này hơn  20 nghìn lính, 5.000 xe tăng, xe bọc thép, 256 máy bay và 22 tàu chiến. Củ Chi đã được tuyên dương huyện Anh hùng, 20 chiến sĩ, 621 Bà Mẹ và chín xã đã được phong danh hiệu Anh hùng. Ngày nay, khu quần thể di tích này có ba cụm nổi bật. Ðó là cụm căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh, cụm căn cứ Bộ Tư lệnh quân khu Sài Gòn - Gia Ðịnh và cụm Ðền tưởng niệm Bến Dược. Riêng cụm Ðền tưởng niệm Bến Dược được khởi công xây dựng vào ngày 15-5-1993 và khánh thành ngày 19-12-1995. Cụm này rộng 70 nghìn m2, có cổng tam quan, nhà văn bia, chính điện và tháp chín tầng cao 40m. Trong chính điện đặt bia tưởng niệm, khắc tên 44 nghìn 209 liệt sĩ đã hy sinh tại vùng 'Ðất thép thành đồng' này.

Hiện nay, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi còn có Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi từ sau Ðồng khởi 1961 đến năm 1974. Trên diện tích 28,5 ha, bốn không gian được chọn thể hiện những sự kiện, những cảnh sinh hoạt thường ngày, cảnh lao động, tăng gia sản xuất, học hành, chế tạo vũ khí, cảnh đào địa đạo... ở những vùng đất tiêu biểu đã đi vào lịch sử. Tại không gian I, đó là một Củ Chi sau Ðồng khởi (1961 - 1964), đối diện với Chiến tranh đặc biệt, với đặc trưng của một xã trong vùng giải phóng. Cùng sơ đồ trận đánh Sở Ðất Thịt tại ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây, Không gian II  là thời kỳ đế quốc Mỹ tiến hành Chiến tranh cục bộ (1965 - 1968) và sơ đồ trận đánh tại ngã ba Cây Gõ. Không gian III là thời kỳ đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh hủy diệt và phía bắc Củ Chi trở thành 'vùng trắng' (1969 - 1972). Ðặc trưng là các hầm bám trụ của đội nữ du kích Củ Chi, tiểu đoàn Quyết Thắng. Không gian IV  tái hiện một vùng đất hồi sinh những năm 1973 - 1974. Tiêu biểu cho không gian này là mô hình kích thước thật cuộc họp triển khai lực lượng thực hiện nhiệm vụ trong chiến dịch Hồ Chí Minh của Thành đội Sài Gòn - Gia Ðịnh. Ðiểm nhấn thu hút rất nhiều khách tham quan tại đây là không gian mô phỏng một Việt Nam thu nhỏ nằm bên một hồ rộng tượng trưng cho Biển Ðông. Trên không gian rộng bốn ha là các công trình thu nhỏ: Chùa Một Cột, Cung đình Huế, Bến Nhà Rồng cùng các công trình tiêu biểu của thời hiện đại như hầm Hải Vân, cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ... Ðặc biệt, bao quanh dải đất hình chữ S là hồ biểu trung Biển Ðông với mô hình quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc, Côn Ðảo... rợp bóng cây xanh mướt. Du khách thả bộ dọc theo con đường 'cái quan' xuyên suốt chiều dài đất nước sẽ tha hồ ngắm và thả hồn thưởng lãm những loại cây và gỗ quý của Việt Nam. Ðại tá Trần Văn Tâm, Giám đốc Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi cho biết: 'Sáu tháng đầu năm nay, lượng du khách đến đây đạt hơn 450 nghìn người, trong đó khách quốc tế hơn 230 nghìn người. Ðại tá Tâm cho biết thêm, trong năm nay, Khu di tích sẽ hoàn chỉnh Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Ðịnh. Ngoài ra, Khu di tích đang kêu gọi đầu tư công trình Khu bám trụ chiến đấu ven sông Sài Gòn, rộng 125ha. Không chỉ tham quan, ôn lại truyền thống cách mạng, nơi đây cũng là 'địa chỉ đỏ' của các buổi lễ kết nạp Ðoàn. kết nạp Ðảng của nhiều thế hệ quần chúng, thanh niên, sinh viên học sinh của thành phố và các tỉnh lân cận trong nhiều năm qua.