Mười tám thôn vườn trầu xứ Bà Ðiểm - Hóc Môn

NDO - Tại đất Gia Ðịnh xưa, có địa danh Mười tám thôn vườn trầu từng nổi tiếng từ cuối thế kỷ 19 và càng nổi tiếng hơn là vùng đất anh hùng, trung kiên của nhân dân Bà Ðiểm trong Nam Kỳ khởi nghĩa.

Xưa trong Gia Ðịnh thành thông chí đã gọi Mười tám thôn vườn trầu theo cách chữ Hán là Phù Lưu Viên (vườn trầu) để chỉ miệt vườn Bà Ðiểm - Hóc Môn. Dưới triều vua Minh Mạng (1820 - 1840), địa danh này gồm các thôn thuộc tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Ðịnh và sau năm 1945, Mười tám thôn vườn trầu bao gồm cả huyện Hóc Môn và một phần quận 12  - TP Hồ Chí Minh ngày nay.

Vùng đất này cao ráo, nhân dân trồng cau, trầu nhiều và phù hợp thổ nhưỡng nên cau, trầu phát triển xanh tốt. Nay trung tâm của Mười tám thôn vườn trầu là các làng: Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì, Tân Thới Trung (nay thuộc địa bàn xã Tân Xuân), Tân Thới Tam (nay thuộc địa bàn xã Thới Tam Thôn). Riêng thôn Tân Thới Nhứt (nay thuộc địa bàn xã Bà Ðiểm) là một trong sáu thôn đầu tiên của Mười tám thôn vườn trầu. Ðiểm nổi tiếng nhất của vùng đất gắn với tên Mười tám thôn vườn trầu là lòng yêu nước, ý chí kiên cường của người dân, là tinh thần đoàn kết chiến đấu, truyền thống yêu nước cách mạng. Ngay khi thực dân Pháp nổ phát súng đầu  tiến công thành Gia Ðịnh đầu năm 1859, nhân dân Hóc Môn - Bà Ðiểm không hề sợ "tàu đồng, súng thép" của người Tây, mà đã liên tục tham gia chiến đấu dưới các ngọn cờ khởi nghĩa của nghĩa quân Trương Ðịnh - Trương Quyền (1859 - 1870), Nguyễn Anh Thủ (1871). Ðáng chú ý, cuộc khởi nghĩa năm 1885 tại Mười tám thôn vườn trầu do Phan Công Hớn và Nguyễn Văn Quá lãnh đạo, đã tập trung hàng nghìn nghĩa quân tiến công vào huyện lỵ Bình Long (Hóc Môn), giết chết tên Ðốc phủ sứ gian ác tay sai của thực dân Pháp Trần Tử Ca, giải thoát nhiều người dân vô tội bị giam cầm.

Ngược dòng lịch sử từ xa xưa, người dân vùng đất này đã nổi tiếng khảng khái, trọng nghĩa, khinh tài, giàu lòng tương thân, tương ái. Bà con sinh sống lâu đời ở đây đã coi trồng cau, trầu là một nghề ăn nên làm ra thời ấy. Nay vẫn còn nhiều cụ già để cả vườn mình chỉ có trồng trầu, cau. Hiện nay, vào xã Bà Ðiểm vẫn còn mầu xanh của các giàn trầu. Các chợ tại xã Bà Ðiểm, xã Tân Xuân, xã Thới Tam Thôn... mỗi năm vào mùa mưa, lành lạnh, các cụ vẫn gánh trầu đi bán kèm buồng cau. Dù đang thời kỳ đô thị hóa nhanh, giá đất các nhà vườn lên cao, song nhiều cụ ông, cụ bà tại Hóc Môn vẫn thường rủ nhau giữ lấy vườn trầu, bởi đó là nghề truyền thống của ông bà để lại.

Tại vùng đất này, chiều tối ngày 22 rạng sáng 23-11-1940 nhân dân Hóc Môn là nơi đầu tiên đã đứng lên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Rồi trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Hóc Môn - Bà Ðiểm luôn luôn giương cao ngọn cờ yêu nước, trung kiên với Ðảng, với cách mạng để cùng giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Chủ tịch nước trao tặng cho huyện Hóc Môn, trong đó có ba xã Anh hùng là: Xuân Thới Thượng, Tân Xuân và Bà Ðiểm càng thể hiện ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất của người dân Mười tám thôn vườn trầu.