Chuyện xưa, chuyện nay

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nhà trí thức lớn của cách mạng

NDO - Từ nhỏ, Nguyễn Hữu Thọ theo học tại Trường Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá. Mùa hè năm 1921, khi mới 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ rời Bến Lức (Long An), quê hương thân thuộc sang học tại Trường Mignet (Pháp). Ðến năm 1928, ông được nhận vào học khoa Luật của Trường đại học Luật khoa và Văn khoa Aixen Prouvence (miền nam nước Pháp). Với bằng cử nhân luật học loại xuất sắc, ông về nước tháng 5-1933, làm tập sự tại văn phòng luật sư của một người Pháp ở Mỹ Tho. Sau 5 năm tập sự, Nguyễn Hữu Thọ vượt qua kỳ sát hạch, trở thành một luật sư thực thụ rồi mở văn phòng luật sư riêng ở Mỹ Tho, sau đó chuyển qua Vĩnh Long, Cần Thơ rồi lên trung tâm Sài Gòn.

Thời gian ông về nước, thì cách mạng miền nam đang nổi lên và sau đó, thì cuộc khởi nghĩa nam Kỳ tháng 11-1940 nổ ra. Nhân dân Nam Bộ đang bị thực dân Pháp dìm trong bể máu, thì người luật sư Nguyễn Hữu Thọ không nghe theo những thuyết giáo công bằng, dân chủ mà ông đã được học mà ông đã đứng hẳn về phía nhân dân, dùng kiến thức luật học của mình bênh vực lẽ phải, bảo vệ công lý cho những người đứng lên chống lại nhà cường quyền của thực dân Pháp. Ông được nhân dân tín nhiệm và mến phục trước lẽ phải mà ông đã giúp người dân. Cách mạng Tháng Tám 1945, thành công đã thật sự làm thay đổi tư tưởng của người luật sư trẻ từ "chính quốc" Pháp trở về. Sau này, ông nhớ lại: "Sự kiện lịch sử trọng đại đó đã làm thay đổi cả lối sống, nếp nghĩ của tôi. Nói một cách khác, cách mạng đã đổi đời cho tôi" - ông khẳng định.

Năm 1946, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cử làm Chánh án Tòa án dân sự Vĩnh Long. Sự kiện đưa ông đến với cách mạng, là trong một buổi tối giữa năm 1946, ông nhận được thư của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ mời ra vùng Ðồng Tháp - "thủ đô kháng chiến của Nam Bộ". Người ký bức thư mời ông chính là luật sư Phạm Ngọc Thuần, quyền Chủ tịch của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ - một luật sư cũng được đào tạo tại Pháp về nước trước ông.

Khi luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào vùng kháng chiến, ông được luật sư Phạm Ngọc Thuần và các thành viên Ủy ban Kháng chiến đón tiếp thân thiện, niềm nở và cảm kích. Luật sư được đưa đi thăm một số cơ quan kháng chiến, đơn vị vệ quốc đoàn, thăm dân chúng... được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều  trí thức từ Pháp về, những người đã sớm từ bỏ cuộc sống đầy đủ, khá giả ở đô thành để chấp nhận gian nan đi vào cùng tham gia kháng chiến.

Từ những tiếp cuộc xúc đó, đầu năm 1947, luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ chức Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long để lên Sài Gòn, mở văn phòng luật sư riêng tại số nhà 152 đường Charles de Gaulle (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3). Cũng tại đây, khi Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn bắt liên lạc và phối hợp các mặt công tác trong trí thức, thì luật sư Nguyễn Hữu Thọ được tổ chức phân công hoạt động trong Ban Trí vận của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Và điều rất có lợi cho cách mạng là văn phòng luật sư của ông đã trở thành nơi tập hợp giới trí thức tiến bộ ở Sài Gòn và cả miền nam sau ngày toàn quốc kháng chiến.

Ngày 16-10-1949, tại nhà số 5 đường Leon Cambes (nay là đường Sương Nguyệt Ánh), Ban Trí vận Thành ủy đã tổ chức kết nạp luật sư yêu nước Nguyễn Hữu Thọ vào Ðảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, khi ông đã tự nguyện gắn bó cuộc đời với Ðảng, với nhân dân. Từ khi vào Ðảng, bằng uy tín cá nhân, ông đã đưa cuộc đấu tranh của trí thức vào ngay tận sào huyệt của địch ở Sài Gòn - Chợ Lớn và giành thắng lợi. Như  cuộc đấu tranh biểu dương lực lượng học sinh, sinh viên ngày 9-1-1950. Sau đó, tại đám tang học sinh Trần Văn Ơn, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đọc điếu văn, lên án hiến binh Pháp đàn áp đẫm máu những học sinh, sinh viên. Sự kiện ngày 15-3-1950, với tư cách là Trưởng phái đoàn đại biểu các giới Sài Gòn, ông đã bào chữa thành công cho dược sĩ Phạm Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn cùng với 21 nhà trí thức khác bị Pháp đưa ra tòa. Bằng lời lẽ đanh thép và lập luận sắc bén, luật sư buộc thực dân Pháp phải hoãn việc xét xử 22 nhà trí thức của Hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn... để trả tự do cho những trí thức Sài Gòn lúc đó.

Những hoạt động yêu nước của luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã khiến chính quyền thực dân Pháp lo sợ, nên sau đó chúng đã bắt ông lưu đày. Hơn chín năm, ông bị chính quyền thân Pháp, rồi chính quyền thân Mỹ quản thúc lưu đày từ Khám lớn Sài Gòn tới vùng cao huyện Củng Sơn (Phú Yên). Dù tại đâu, ông vẫn luôn giữ một lòng trung trinh với Ðảng, với nhân dân.

Trong lao tù, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã vượt qua biết bao thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù. Ngày 30-10-1961, luật sư đã được cách mạng tổ chức giải thoát từ nhà lao Phú Yên và đưa về vùng căn cứ tại Tây Ninh khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam ra đời. Tại Ðại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam. Cũng từ đó, tên tuổi và sự nghiệp của luật sư đã gắn liền với lịch sử phát triển của phong trào đoàn kết dưới ngọn cờ của Mặt trận, gắn chặt với cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của quân và dân miền nam. Sau ngày giải phóng luật sư được bầu là Chủ tịch Quốc hội rồi Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.