Lâm ủy Hành chính Nam Bộ sau Cách mạng Tháng Tám

NDO - Từ đầu năm 1945, hoàn cảnh khách quan đã tạo ra nhiều thuận lợi. Trong nước, thực dân Pháp bị Nhật đảo chính vào ngày 9-3-1945. Trên thế giới, Ðức quốc xã đầu hàng Liên Xô tạo ra thời cơ ngàn năm có một cho các nước châu Á và Ðông Dương.

Vào thời điểm đó tại Sài Gòn, ông Trần Văn Giàu với tư cách Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ đã cùng các Xứ ủy viên còn lại bàn tính mọi cách, mọi kế hoạch, cũng như mọi hoàn cảnh có thể tranh thủ được cho cuộc tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn và Nam Bộ nổ ra tránh đổ máu cho nhân dân; nhất là trong khi ở Sài Gòn đang có hàng nghìn binh lính hiến lê Nhật có đầy đủ vũ khí, trang bị nhà binh. Cho đến tháng 5-1945 Xứ ủy Tiền Phong, mặc dù chưa liên lạc được với Trung ương, song căn cứ vào Nghị quyết T.Ư Ðảng lần thứ 8 (11-1939), để phân tích tình hình thế giới, trong nước đề ra các nội dung cụ thể cho việc chuẩn bị khởi nghĩa. Do vị trí đặc biệt  của Sài Gòn, Xứ ủy Tiền Phong cũng như Xứ ủy Giải Phóng đã chủ trương lấy nhiệm vụ chiếm và giành toàn vẹn chính quyền ở Sài Gòn là nơi quyết định cho cuộc tổng  khởi nghĩa ở Nam Bộ.

Tháng 7-1945, đồng chí Lý Chính Thắng, vượt qua bao vòng vây nguy hiểm đã về đến Sài Gòn, mang theo Nghị quyết của Hội nghị Toàn quốc của Ðảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo. Trước đó, tháng 6-1945, đồng chí Dương Bạch Mai, lúc này đang hoạt động ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đã về tham gia phong trào ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Ðồng chí Trần Văn Giàu và Hà Huy Giáp cùng bàn với các đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ còn lại, lấy tên chính quyền sau khi Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi là "Lâm ủy Hành chính Nam Bộ". Tình hình càng diễn biến nhanh ở Sài Gòn - Chợ Lớn sau khi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là người chủ xướng Thanh Niên Tiền phong, tuyên bố công khai cùng nhân dân đấu tranh. Xứ ủy và Ban Cán sự thành phố đã đưa những đảng viên là trí thức có năng lực đến vận động lực lượng thanh niên yêu nước như: học sinh, sinh viên, trí thức đang họp trong nhóm báo "Thanh niên" do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ nhiệm, đã lôi cuốn đông đảo thanh niên cùng đứng về phía những người Ðảng viên Cộng sản và sẵn sàng hoạt động theo yêu cầu của Ðảng ta.

Sáng 21-8-1945, Hội nghị Xứ ủy Tiền Phong (Nam Bộ) quyết định khởi nghĩa ở tỉnh Tân An - nay là Long An - vào đêm 22 rạng sáng 23-8-1945 và tiếp tục giải quyết những vấn đề sẽ tổ chức khởi nghĩa ở Sài Gòn sau đó, như ngày giờ, cách thức sẽ khởi nghĩa, việc huy động lực lượng nông dân ra làm các "vành đai đỏ", dự định cho những người tham gia vào Lâm ủy Hành chính Nam Bộ khi ra mắt nhân dân Sài Gòn.

Ðầu tháng 8-1945, Thanh niên Tiền Phong trở thành một mặt trận dân tộc thống nhất lôi cuốn hầu hết các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, lợi dụng thế hợp pháp để trở thành cao trào cách mạng toàn dân. Các công, tư sở, các xí nghiệp, các nhà máy điện, nước, bưu điện, các bót cảnh sát... đều có cơ sở của Thanh niên Tiền Phong nắm. Ngày 16-8-1945, Thanh niên Tiền Phong tuyên bố gia nhập Mặt trận Việt Minh. Ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, không khí tổng khởi nghĩa rất sôi nổi. Thanh niên các giới phần lớn đứng trong hàng ngũ Thanh niên Tiền Phong đã sẵn sàng tham gia các tổ chức khởi nghĩa.

Sau khi ra đời tháng 6-1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh đã có hai cuộc tuyên thệ lớn tại vườn Ông Thượng (nay là Công viên văn hóa Tao Ðàn, quận 1). Cuộc tuyên thệ lần thứ nhất diễn ra vào ngày 15-7-1945, tập hợp được 20.000 người. Các nhà lãnh đạo Thanh niên Tiền phong đọc lời kêu gọi: "Thanh niên hãy nhận thức rằng: Thời của đất nước đang đến, Thanh niên Việt Nam phải sẵn sàng phải hiệp lực để cứu nước, để phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân". Sau lời tuyên thệ, Thanh niên cùng nhau hát vang hai bài "Lên Ðàng" và "Tiếng gọi Thanh niên".

Khi Nhật tuyên bố đầu hàng Ðồng minh vô điều kiện, Mặt trận Việt Minh ra mắt công khai tại rạp Nguyễn Văn Hảo; cờ đỏ búa liềm treo đầu tiên trước nhà của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Sau khởi nghĩa thí điểm Tân An thành công, Ủy ban Khởi nghĩa chỉ thị các cơ quan, nhà máy phải giành chính quyền ngày 25-8-1945. Thực tế những công sở trong thành phố đều do ta làm chủ ngày 24-8. Ðặc biệt dinh Khâm sai (nay là Bảo tàng thành phố) là nơi đầu tiên ở Sài Gòn, cờ quẻ ly bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay trong niềm vui tất thắng.

Từ sáng sớm 25-8-1945, cả triệu quần chúng nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh chung quanh mang theo giáo mác, tầm vông vạt nhọn... rầm rập kéo về nội thành Sài Gòn tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, biểu dương lực lượng. Ðoàn người hô vang những khẩu hiệu: "Việt Nam hoàn toàn độc lập", "Mặt trận Việt Minh muôn năm", "Ðộc lập hay là chết", "Ðảng Cộng sản Việt Nam muôn năm"... Cờ đỏ sao vàng ngập đường phố, phấp phới bay hiên ngang trên các công sở.

Cũng trong ngày 25-8-1945 lần đầu, Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ (tức Lâm ủy Hành chính Nam Bộ) được thành lập gồm: Chủ tịch Trần Văn Giàu và 13 thành viên trong Lâm ủy Hành chính Nam Bộ ra mắt nhân dân Sài Gòn. Lễ đài buổi lễ độc lập 2-9-1945 tại Sài Gòn đặt trên đường Cộng Hòa (nay là đại lộ Lê Duẩn), ngay nhà thờ Ðức Bà. Hầu hết người dân Sài Gòn đều đổ ra đường, thành một biển người chưa từng thấy ở thành phố này từ 12 giờ trưa. Ðến 14 giờ chiều 2-9-1945, hàng vạn đồng bào từ nhiều tỉnh và tại Sài Gòn đã kéo về quảng trường Norodom chờ nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn Ðộc lập từ quảng trường Ba Ðình (Hà Nội). Nhưng do thời tiết xấu và trình độ kỹ thuật lúc đó có hạn, những lời tuyên bố trịnh trọng của Hồ Chủ tịch trước quốc dân và dư luận thế giới chưa đến được với đồng bào Sài Gòn dự mít-tinh. Ðồng chí Trần Văn Giàu, Chủ tịch Lâm ủy Hành chính Nam Bộ đã bước lên khán đài kêu gọi nhân dân đoàn kết chung quanh Chính phủ Hồ Chí Minh, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mưu đồ của thực dân, đế quốc trở lại xâm lược nước ta lần nữa.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, cũng là lần đầu trong lịch sử Chính quyền của nhân dân đã ra mắt nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ trong niềm hân hoan của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cùng cả nước.