Khu căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh

NDO - Suốt mấy chục năm chiến tranh, nhiều lần kẻ địch đã tàn sát các căn cứ của Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh, cho nên việc di chuyển căn cứ về các tỉnh nhằm bảo đảm an toàn cho cơ quan đầu não của Ðảng bộ là nghĩa tình to lớn của nhân dân các địa phương với Ðảng bộ Sài Gòn - Gia Ðịnh. Một trong những cứ điểm này còn được giữ nguyên vẹn, là Khu căn cứ của Ðảng bộ Sài Gòn - Gia Ðịnh, tại Mỏ Cày (Bến Tre).

Một chiều tháng 6, chúng tôi về thăm lại Khu căn cứ cách mạng này. Nơi đây trong chiến tranh ác liệt, còn có mật danh là T4, Y4. Suốt những năm chiến tranh, Ðảng bộ Sài Gòn - Gia Ðịnh luôn phải cân đấu với những mưu đồ tàn phá bom đạn của kẻ thù. Từ TP Bến Tre, theo quốc lộ 60, qua cầu Hàm Luông đi đến ngã ba chợ Xép, rẽ phải, đi tiếp năm km là đến xã Tân Phú Tây và xã Thành An thuộc huyện Mỏ Cày (Bến Tre). Vùng đất này, sau tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (Xuân 1968), Mỹ - ngụy đã không trừ loại bom, đạn nào phản kích quyết liệt. Sau năm 1968, chúng tăng cường hành quân càn quét, dùng phi pháo từ máy bay lên thẳng dội xuống đánh phá khốc liệt bất cứ mảnh đất nào mà nghi ngờ có lực lượng cách mạng trú đóng.

 Tháng 6-1969, sau khi thống nhất giữa Ban Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh và lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre, cơ quan lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh chuyển về đóng tại xã Tân Phú Tây. Ðây là vùng mới giải phóng, nhân dân rất kiên cường, phần lớn bà con có trình độ giác ngộ chính trị cao, địa hình lại rất hiểm trở, nhiều kênh rạch chia cắt, có nhiều vườn dừa liên tiếp che chắn, ngụy trang, cho nên địch không thể hành quân bằng xe cơ giới, thiết giáp, kể cả việc dùng máy bay lên thẳng đổ quân cũng có nhiều hạn chế để phát hiện. Bên trong khu căn cứ này, ta thiết lập hàng chục hầm kiên cố có khả năng chịu đựng được pháo 105 ly, những công sự chiến đấu và hệ thống hầm bí mật, chỗ làm việc của lãnh đạo Khu ủy, nơi dành cho các cuộc hội nghị, cơ sở hậu cần, bảo vệ,... Ở vòng ngoài là hành lang bảo vệ và đầu mối liên lạc, gồm các xã chung quanh như Thành An, Hòa Lộc, Thạnh Ngãi, Phước Mỹ Trung. Bà con nơi đây đều có ý thức bảo vệ bằng mọi giá cho sự an toàn khu căn cứ quan trọng này của Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh.

Trong thời gian khu căn cứ đóng tại đây, bọn gián điệp và do thám của địch cũng đã đánh hơi biết được cơ quan đầu não của Sài Gòn - Gia Ðịnh đang đóng tại vùng đất này, cho nên đã tung lực lượng thăm dò, tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét, bắn phá, nhưng trước tấm lòng trung kiên của người dân Bến Tre mọi âm mưu và hành động xâm lược của chúng đều bị bẻ gãy. Từ cơ quan Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh những năm chiến tranh ác liệt, bao quyết sách, chủ trương của một trung tâm đầu não ở miền nam đã được ra đời; đó là lòng cưu mang đầy tình nghĩa của quân và dân huyện Mỏ Cày và tỉnh Bến Tre những người đã chung chiến hào với nhân dân Sài Gòn đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược. Thời gian Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh đóng căn cứ ở đây không lâu (từ tháng 6-1969 đến đầu năm 1970), nhưng cơ quan đầu não của Khu ủy đã được sự hỗ trợ, cưu mang đầy tình nghĩa của quân và dân huyện Mỏ Cày và cả tỉnh Bến Tre.

 Sau chiến tranh, Di tích của căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh tại huyện Mỏ Cày bị bom đạn của địch xóa sạch. Ðể lưu giữ lại dấu tích của một thời chiến đấu gian khổ, hào hùng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo ngành văn hóa - thể thao và du lịch của tỉnh phục chế lại hai hầm trú ẩn bằng bê-tông, thân cây dừa và dựng bia lưu niệm tại xã Tân Phú Tây. Di tích Khu căn cứ của Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh tại Bến Tre đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (cũ) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1995.