Hành trình theo dấu chân Bác

NDO - Không ngại cái nắng của mùa hè, chỉ với xe gắn máy, hàng chục sinh viên đã thực hiện hành trình đến những địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh mà cách nay tròn một thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh - khi đó là thanh niên Nguyễn Tất Thành - đã từng đến ở, đi học và lên tàu ra nước ngoài với mong muốn tìm một con đường giải phóng người dân Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.

Sáu giờ sáng một ngày thứ bảy giữa tháng 5, nhiều sinh viên đã có mặt tại Bến Nhà Rồng. Phòng trưng bày chưa đến giờ hoạt động, nhân viên khu di tích chỉ có thể mở cửa gian thờ để mọi người thắp hương kính viếng Bác, rồi xuất phát đến địa chỉ đầu tiên: Nhà số 185/1 đường Cô Bắc, quận 1. Thấy đoàn khách tìm vào ngôi nhà, những người dân trong hẻm 185 Cô Bắc mới biết mình đang ở trong khu vực ghi dấu chân người thanh niên Nguyễn Tất Thành một thế kỷ trước. Theo ghi chép tại nhà Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (số 5 Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5) thì khoảng tháng 2-1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh ở Phan Thiết vào Sài Gòn. Cùng đi, có các ông Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang và Trần Lệ Chất - những thành viên lãnh đạo của Công ty Liên Thành. Ðến Sài Gòn, thầy Nguyễn Tất Thành được vào ở nhà ông Lê Văn Ðạt - người bà con bên ngoại của ông Trương Gia Mô, là vựa chiếu xóm cầu Rạch Bần, nay là nhà số 185/1 đường Cô Bắc, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Vài ngày sau, Nguyễn Tất Thành từ giã ông Trương Gia Mô và gia đình ông Lê Văn  Ðạt, vào Chợ Lớn ở tại phân cuộc của Công ty Liên Thành do ông Nguyễn Quý Anh phụ trách. Các bạn sinh viên đã đến thăm Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản Liên Thành, nghe câu chuyện về những người sáng lập và điều hành doanh nghiệp có tấm lòng vì nước vì dân. Khi Nguyễn Tất Thành chuẩn bị lên tàu Amiral Latouche Tréville xuất ngoại, Công ty Liên Thành có góp thêm lộ phí cho Người.

Ngôi nhà số 5 Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5,  vào năm 1911 là số 3 Quai Testard - cơ sở của Liên Thành phân cuộc. Thời gian sống tại đây, người thanh niên mang tên Nguyễn Tất Thành đi học ở Trường Cơ khí Á Châu (nay là Trường cao đẳng  Kỹ thuật Cao Thắng trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1) trong ba tháng. Ðến ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành đã tạm biệt Sài Gòn - Chợ Lớn, tạm biệt Tổ quốc, bắt đầu chuyến hành trình tìm con đường cứu nước, cứu dân. Ở di tích nói trên, sinh viên được xem hình ảnh tàu Amiral Latouche Tréville. Trang sổ theo dõi tàu ra vào cảng Sài Gòn tháng 6-1911, trong danh sách có tàu Amiral Latouche Tréville đến ngày 3-6, rời Sài Gòn ngày 5-6. Trong trang sổ lương của thủy thủ đoàn, anh Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba làm phụ bếp.

Từ Trường cao đẳng  Kỹ thuật Cao Thắng TP Hồ Chí Minh, các sinh viên đã trở lại Bến Nhà Rồng, nhìn ra cảng mà lòng bồi hồi nhớ về những ngày Bác ở Sài Gòn. Mỗi câu chuyện về Bác tại mỗi địa điểm đều hết sức mới mẻ và thú vị đối với mọi thế hệ sinh viên hôm nay. Những con đường Cô Bắc, Châu Văn Liêm, Huỳnh Thúc Kháng, Bến Vân Ðồn, mà họ đi qua, có ai ngờ từng ghi đậm dấu chân Bác. Bởi vậy, ai nấy chăm chú như nuốt từng lời người thuyết minh, có người còn ghi âm lại.

Bà Ðinh Thị Nguyệt, người quản lý Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, hành trình theo chân Bác những ngày đầu ở Sài Gòn cần được phổ biến rộng rãi thành một city tour không chỉ trong giới thanh, thiếu niên mà cho tất cả người dân cũng như du khách đến TP Hồ Chí Minh để họ thấy và cảm nhận được công lao to lớn và vĩ đại của Người trong cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước.