Chiến tích của đặc công Rừng Sác Anh hùng

NDO - Tại huyện Nhà Bè xưa - nay có nhiều tuyến sông và hệ thống kênh rạch chằng chịt này đã chiếm giữ một vị trí địa lý quân sự có vai trò quan trọng đối với chính quyền Sài Gòn trên cả vùng đất Nam Bộ trước năm 1975.

Ở đây, từ hướng đông-nam Rừng Sác, sông Lòng Tàu xuyên suốt Rừng Sác miền đông, lên hướng tây-bắc rồi hòa nhập với sông Nhà Bè, rẽ nhánh ăn thông với sông Sài Gòn là một thương lộ quan trọng nối cảng Sài Gòn với biển Cần Giờ. Cùng với đó, là tuyến rạch Ông Lớn - Cây Khô là tuyến đường vận tải thủy quan trọng nối Sài Gòn với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Dòng kênh Tẻ (nay là ranh giới giữa quận 4, 8 và quận 1, 5) đã giữ một vai trò quan trọng tương tự đối với chính quyền Sài Gòn.

Do điều kiện tự nhiên đó ở  huyện Nhà Bè, trước đây thực dân Pháp, nhất là sau này, đế quốc Mỹ xây dựng nhiều cơ sở kinh tế, quân sự lớn. Hàng loạt kho chứa nguyên liệu lỏng (xăng, nhớt) phục vụ chiến tranh của các công ty tư bản nước ngoài nằm dọc sông Nhà Bè với sức chứa lớn, đủ cung cấp cho cả chiến trường Nam Ðông Dương. Quân cảng Nhà Bè nằm giữa vùng tiếp giáp hai xã Phú Mỹ và Phú Xuân, là nơi Pháp, rồi Mỹ chuyên dùng nhập các hàng quân sự. Một bộ phận bến ke (quai) và bến đậu của cảng Sài Gòn nằm trên đất Tân Thuận với dãy kho hàng đồ sộ.

Cuối năm 1973, trong tình hình chiến trường ngoại thành Sài Gòn cần có những đột phá lớn, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết định đánh phá kho xăng Nhà Bè, cách Sài Gòn 12 km về phía đông - nam. Ðây là nơi dự trữ xăng dầu lớn nhất và được bảo vệ cẩn mật nhất của chúng. Ðể thực hiện, nhiệm vụ táo bạo này được giao cho đội 5, đoàn đặc công 10 Rừng Sác.

Ðể bảo đảm chắc thắng, có hiệu suất cao trong chiến đấu, tổ trinh sát do đồng chí Hà Quang Vóc phụ trách, đã 14 lần bơi qua lòng sông rộng, có mực nước sâu, luồn lách ở nhiều hướng. Các anh đã vượt qua nhiều tuyến phòng thủ, khắc phục tất cả các loại vật cản, đột nhập vào kho xăng Nhà Bè để nghiên cứu, tìm hiểu cách bố phòng và quy luật đi lại hoạt động của địch. Sau nhiều ngày được giao thực hiện thật kỹ cho công tác chuẩn bị, đêm 2 rạng ngày 3-12-1973, đội 5 của đặc công Rừng Sác đã tổ chức một mũi gồm  tám cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Hà Quang Vóc chỉ huy, bí mật vượt sông Nhà Bè và cả hệ thống đồn bốt địch bố phòng, ngăn chặn vòng ngoài và nhiều tuyến phòng thủ kiên cố của chúng ở  bên trong. Trong quá trình thâm nhập vị trí, các chiến sĩ đội 5, đặc công Rừng Sác đã ba lần chạm trán với địch, nhưng các anh đã mưu trí và lợi dụng sự sơ hở của chúng, đưa toàn bộ lực lượng vào đúng mục tiêu, đặt hàng loạt lượng thuốc nổ TNT có sức công phá lớn áp sát vào các bồn xăng lớn của địch.

Ðúng 2 giờ 15 phút sáng 3-12-1973, tất cả 43 bồn xăng của địch đã nổ tung, bốc cháy dữ dội, làm sáng rực chung quanh Nhà Bè và náo động cả TP Sài Gòn. Ðể cứu hỏa, trung tướng ngụy quyền Sài Gòn Phạm Quốc Thuần, Tư lệnh Quân khu 3 và Quân đoàn 3 phải trực tiếp chỉ huy để cứu chữa. Lúc này dù trong đêm đen, nhưng chúng đã vội vã điều thêm lực lượng cứu hỏa từ Sài Gòn về, kể cả máy bay yểm trợ. Tuy thế, dù huy động tối đa, song cũng không thể dập tắt được biển lửa ngày càng bốc cao và lan rộng cả lòng sông Sài Gòn. Trong trận đánh này, đặc công Rừng Sác đã cho nổ tung 150 triệu lít xăng, dầu, một tàu chở dầu 12 nghìn tấn bị chìm. Toàn bộ hệ thống máy móc lọc dầu của Công ty Shell bị các chiến sĩ đặc công Rừng Sác phá hỏng.

Sau trận đánh đó, cả sáu chiến sĩ của đặc công Rừng Sác đều trở về căn cứ an toàn. Sự biến hóa "xuất quỷ - nhập thần" của những chiến sĩ đặc công Rừng Sác càng làm cho kẻ thù đi vào lo sợ trên chiến trường và đó là chiến công đầy gan dạ, quả cảm của các chiến sĩ đội 5, đặc công Rừng Sác anh hùng.