Cầu Rạch Chiếc - bàn đạp để quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn

NDO - Sài Gòn những ngày cuối cùng của Tháng Tư - 1975, mà các cánh quân đang tiến mạnh, tiến nhanh vào giải phóng thành phố, có một yêu cầu cực kỳ quan trọng của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh giao - đó là chiếm và giữ cho được những cây cầu huyết yếu trên năm hướng tiến quân vào nội đô.  Một trong những cầu đó là cầu Rạch Chiếc,  nằm trên quận 2 - Thủ Ðức xa lộ Hà Nội nay.

Ðại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu, tức Tư Cang, Phó Chính ủy Lữ đoàn Ðặc công 203, mỗi dịp xuân về, vẫn bồi hồi, xúc động kể về trận chốt giữ cầu, trong mấy ngày đêm liền, mà nhiều người lính của đơn vị ông phải nằm lại ngay sát ngày giải phóng miền nam. Ðể giữ cho được cây cầu này, có hai điều hết sức khó. Một là, đây là cây cầu huyết mạch trên đường tiến vào Sài Gòn cho đại quân ta, song địa hình lại trống trải. Hai là, địch tăng cường lực lượng cao độ, có cả xe bọc thép để chiếm giữ, kể cả chúng sẽ phá cầu khi biết quân ta sắp vào. Và mặc dù cầu Rạch Chiếc không lớn, chỉ dài hơn 200 m, song địa hình trống trải đó, đã cản trở nhiều mặt cho Lữ đoàn Ðặc công 203 với nhiệm vụ phải bảo vệ và chiếm cầu bằng mọi giá, theo lệnh trên giao. Lúc này, kẻ địch vẫn phản công quyết liệt, nhất là chúng đã dùng xe tăng, xe bọc thép nổ pháo 175 mm, bắn liên tục để hòng cản trở tối đa các đơn vị ta phục sẵn hai sông của chân cầu.

Từ tối 27-4-1975, khi đại quân ta đã bắt đầu tiến vào và làm chủ thị xã Long Khánh - Xuân Lộc - Biên Hòa, áp sát thành phố Sài Gòn, Lữ đoàn Ðặc công 203 bắt đầu cử các chiến sĩ đặc công nước bí mật thám sát cầu, xem kỹ cách bố trí của địch phòng ngự tại hai bên cầu. Từ tối 27-8 đến sáng 29-4-1975, những trận đánh quyết liệt của Lữ đoàn Ðặc công với 2.000 quân ngụy Sài Gòn chung quanh cầu đã làm cho nhiều chiến sĩ đặc công ta hy sinh, ngay tại điểm phía đông đường vào giải phóng thành phố. Và tới rạng sáng ngày 29-4, bằng sự mưu trí sáng tạo của lực lượng đặc công nước, quân ta đã chiếm được hoàn toàn cầu Rạch Chiếc, chuẩn bị cho sáng hôm sau ngày 30-4-1975 đại quân ta bắt đầu hành quân tiến ào ạt như vũ bão nhằm thẳng tới Sài Gòn.

Ðể chiếm giữ được, hơn 200 chiến sĩ đặc công của ta phải đương đầu với hơn 2.000 lính ngụy. Nhưng trước lòng quả cảm của quân ta, địch đã phải tháo chạy. Cầu Rạch Chiếc được bảo vệ an toàn đúng kế hoạch. Ðúng 9 giờ 30 phút sáng 30-4, xe tăng của Lữ đoàn Ðặc công 203 Quân giải phóng chạy qua cầu, tiến thẳng về Dinh Ðộc Lập.

Ngày nay, đi qua cầu Rạch Chiếc, ai nấy đều nhớ tới những người đặc công thủy anh hùng, đã nằm lại năm xưa. Nói như Ðại tá Nguyễn Văn Tàu, lòng biết ơn vô hạn những cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Ðặc công 203 đã nằm lại nơi đây là mãi mãi. Những người dân thành phố có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như hôm nay, là nhờ sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Ðặc công 203. Nói đến đây, đại tá nhòe cả hai mắt, cố giấu xúc động với những người lính đặc công của mình.  Nay bên bờ phía quận 2, các cựu chiến binh của Lữ đoàn đã lập một khu đền nhỏ, để có dịp phúng, tri ân những người lính của Lữ đoàn Ðặc công anh hùng đã anh dũng hy sinh, để đất  nước và dân tộc có ngày chiến thắng 30-4. 

PHẠM HỒNG LĨNH