Ba Son - nơi trui rèn Công hội đỏ

NDO - Sau khi lập tổ chức Công hội bí mật tại Sài Gòn (năm 1920), đồng chí Tôn Ðức Thắng tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trực tiếp lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 4-8-1925, tuần dương hạm Pháp Jules Michelet đã bị hỏng máy trên đường đến Trung Quốc trấn áp các cuộc đấu tranh cách mạng, buộc phải ghé xưởng Ba Son để sửa chữa.

Nắm được nguồn tin này, đồng chí Tôn Ðức Thắng tập hợp các hội viên công hội Ba Son bàn biện pháp tổ chức đấu tranh. Ban lãnh đạo đình công được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tôn Ðức Thắng, với mục đích 'kìm chân' chiến hạm này, nhằm làm phá sản kế hoạch đàn áp phong trào cách mạng thế giới. Cuộc bãi công nổ ra với sự tham gia của toàn bộ công nhân Ba Son với những yêu sách: tăng lương 20%; nhận lại các công nhân đã bị đuổi việc trước đây; ngày lĩnh lương phải được nghỉ trước nửa tiếng. Sau gần bốn tháng đấu tranh bền bỉ, điều đình trong sự hăm dọa và đàn áp, cuối cùng các yêu sách của công nhân xưởng Ba Son cũng được giải quyết phần nào (tăng 10% lương, được nghỉ 15 phút trong ngày lĩnh lương) . Nhưng quan trọng nhất, đây là cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên của công nhân Nam Kỳ và công nhân cả nước, đã gây tiếng vang vượt khỏi phạm vi Ðông Dương, đến với phong trào cách mạng vô sản và công nhân thế giới.

Ba Son, theo nhiều tài liệu là một thủy trại nằm ở ngã ba sông Thị Nghè, chuyên sửa chữa các chiến thuyền và thương thuyền triều Nguyễn. Sau khi chiếm Sài Gòn - Gia Ðịnh, thấy nơi đây có địa thế rất quan trọng cho hải quân Pháp ở Viễn Ðông và Thái Bình Dương, ngày 28-4-1863, Pháp đã thông qua dự án xây dựng thủy xưởng Ba Son, thuộc Bộ Hải quân Pháp. Về tên gọi Ba Son, học giả Vương Hồng Sển giải thích:

'... buổi đầu xây dựng, Pháp đã bỏ ra bảy triệu quan lúc ấy để lấp đất và xây cái 'Bassin de radoub' (bể sửa tàu), sửa chữa các loại tàu chiến, tàu buôn tại đây, khỏi đem về Pháp. Ba Son là do Bassin đọc trại ra mà có'. Từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Ba Son, với tên gọi là Arsenal Saigon là cơ sở quan trọng nhất của thuộc địa Nam Kỳ, với trang thiết bị hiện đại. Năm 1888, xưởng khánh thành bể sửa tàu sâu 9,5 m, dài 160 m (dài hơn ở cảng Toulou 12 m). Với công xưởng hoàn chỉnh, Arsenal Saigon có thể chế tạo tất cả các bộ phận của tàu phóng lôi với giá thành và thời gian thấp, ngắn hơn tại Pháp. Xưởng có 2.500 thợ Việt - Hoa, 60 người Âu, do một đốc công Pháp giám sát. Lúc này mặt bằng của Arsenal Saigon rộng đến 22 ha, chu vi hai km, nơi rộng nhất 850 m. Ðến năm 1930, những tàu buôn khắp thế giới qua lại cảng Sài Gòn đều có thể sửa chữa tại Arsenal Saigon. Arsenal Saigon còn có trường dạy nghề (điện, nguội, đúc, mộc...). Thời điểm này, xưởng đã có hai bể sửa tàu (bể nhỏ dài 70 m) và một ụ nổi được nâng cấp để tàu có tải trọng 350 tấn có thể vào sửa chữa. Ngoài ra, xưởng còn sửa chữa máy móc cho Nhà máy đường Hiệp Hòa, ga Sài Gòn. Có vị trí 'đắc địa' tại Viễn Ðông, Pháp thiết kế, đầu tư cho xưởng để có thể đúc súng đại bác và đóng tàu. Ngày 23-3-1922, xưởng Ba Son đã cho hạ thủy tàu Albert Sarraut (tên của Toàn quyền Ðông Dương từ năm 1911 đến năm 1914), dài 85 m, rộng 12 m, cao 12 m, trọng tải 3.100 tấn, 1.100 sức ngựa, mức mớn nước 5,9 m. Ðây là chiếc tàu biển lớn nhất, trang bị hiện đại nhất lần đầu được đóng tại Ðông Dương.

Từ ngày thành lập, Ba Son luôn là điểm sục sôi phong trào đấu tranh cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn, nhất là vào những năm 1912, 1925, 1937, 1939 và cuộc nổi dậy năm 1945. Rất nhiều công nhân của xưởng Ba Son đã trở thành những chiến sĩ cách mạng kiên cường, hy sinh oanh liệt trong những năm chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Nhiều thế hệ công nhân Ba Son đã là những chiến sĩ giữ vị trí quan trọng trong các công binh xưởng tại các chiến khu, chuyên chế tạo vũ khí. Nhiều người đã trở thành những cán bộ ưu tú của Ðảng, Nhà nước và quân đội. Tiêu biểu là Chủ tịch Tôn Ðức Thắng và các đồng chí: Lý Chính Thắng, Nguyễn Văn Nghi, Ðoàn Văn Bơ, Ngô Văn Năm, Trần Ðình Xu... Từ năm 1975 đến nay, nhiệm vụ chính của Xí nghiệp liên hiệp Ba Son (nay là Công ty TNHH MTV Ba Son) là đóng và sửa chữa tàu chiến đấu cùng các phương tiện nổi, bảo đảm các hoạt động cho quân chủng hải quân. Góp phần bảo vệ vững chắc thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế biển, hải đảo của nước ta. Ba Son hiện có hai ụ chìm: ụ lớn sửa chữa tàu 10 nghìn tấn, ụ nhỏ 2.000 tấn; hai đốc nổi có sức nâng 8.500 tấn và 2.000 tấn; có khả năng sửa chữa các loại tàu hơn 30 nghìn tấn và sửa chữa ngoài khơi các loại tàu hơn 150 nghìn tấn. Năm 2010, Công ty TNHH MTV Ba Son vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.