50 năm cầu  Sài Gòn

NDO - Cầu Sài Gòn (trước năm 1975 có tên là cầu Tân Cảng) là một trong những cây cầu có tầm quan trọng hàng đầu, bắc qua sông Sài Gòn, nối đường Ðiện Biên Phủ, quận  Bình Thạnh với Xa lộ Hà Nội, quận 2 và là một trong những đại lộ tại TP Hồ Chí Minh.

Trước khi đường hầm Thủ Thiêm trên Ðại lộ Ðông - Tây được thông xe thì cầu Sài Gòn vẫn là cửa ngõ chính để từ các tỉnh, thành phố phía bắc đi vào trung tâm TP Hồ Chí Minh. Cầu được Công ty Johnson Drake and Piper thi công từ tháng 11-1958 đến ngày 28-6-1961 thì hoàn thành. Cầu dài 986,12 m, gồm 32 nhịp, trong đó có ba nhịp với chiều dài 267,45 m. Sau nhiều năm tồn tại, cầu chịu áp lực tải trọng lớn cho nên được chính quyền TP Hồ Chí Minh cho nâng cấp, sửa chữa nhiều lần vào các năm 1995, 1996 để đáp ứng nhu cầu giao thông của một thành phố đóng góp 20% cho GDP cả nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cầu Sài Gòn từng là nơi mà các chiến sĩ bộ đội đặc công và biệt động thành đã bí mật qua lại để triển khai nhiều trận đánh lớn nhỏ vào nội ô Sài Gòn. Những ngày chiến dịch Hồ Chí Minh đi vào kết thúc, khi những đoàn quân giải phóng hành quân từ năm mũi hướng vào TP Hồ Chí Minh, thì cầu Sài Gòn là một điểm trọng yếu mà các chiến sĩ biệt động Thành Sài Gòn phải quyết giữ để các binh đoàn chủ lực ta hành quân vào nội thành.  Một hình ảnh đẹp mà các sĩ quan, chiến sĩ của Ðại đội 7, Lữ đoàn Tăng 203, Quân đoàn 2 nhớ mãi là khi vượt qua cầu Sài Gòn vào hơn 10 giờ sáng 30-4-1975, thì chiến sĩ nữ biệt động thành, chị Trung Kiên đã túc trực sẵn tại cầu Sài Gòn để dẫn đường cho đoàn xe tăng của Quân đoàn 2 tiến thẳng vào hướng Dinh Ðộc lập.

Hàng hóa, con người từ các tỉnh miền trung và miền bắc vận chuyển vào phía nam đều đi qua TP Hồ Chí Minh. Do đó, cầu Sài Gòn vẫn là một trọng điểm giao thông quan trọng. Cho nên sự quá tải thường xuyên của cây cầu này luôn làm cho người dân lo lắng. Ðể bảo đảm an toàn, thuận lợi, Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo ngành giao thông vận tải thành phố đầu tư kinh phí để nâng cấp và sửa chữa cầu. Năm 1998, cầu được tiến hành nâng cấp và sửa chữa với tổng kinh phí 54 triệu phơ-răng từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Pháp. Tháng 6-2000, việc nâng cấp và sửa chữa cầu hoàn thành. Sau khi nâng cấp lần này, mặt cầu được mở rộng từ 19,63 m lên 24 m, tải trọng đạt chuẩn  H30-XB80, có bốn làn xe, tải trọng 32 tấn, đáp ứng cho vận tải hàng hóa ngày càng cao của TP Hồ Chí Minh.

Theo Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, hiện  bình quân mỗi ngày có gần 41 nghìn lượt ô-tô qua cầu Sài Gòn, chưa kể hàng trăm nghìn lượt xe gắn máy, xe thô sơ, vì vậy áp lực quá tải luôn đè nặng lên cây cầu đã 50 tuổi này. Vì thế, nhiều chuyên gia về giao thông cho rằng để giải tỏa áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn cần sớm xây dựng cầu Sài Gòn 2. Trong khi các cầu Phú Mỹ và Thủ Thiêm được đầu tư xây dựng nhằm chia tải với cầu Sài Gòn vẫn chưa phát huy cao hiệu quả vì cầu đã thông nhưng đường qua phía quận 2 của Ðại lộ Ðông - Tây vẫn chưa hoàn thành thì cầu Sài Gòn vẫn là huyết mạch của nền kinh tế, góp phần và cùng thành phố vững bước trên con đường CNH, HÐH.