"Nữ kiệt miền Ðông" - biểu tượng người phụ nữ Nam Bộ anh hùng

NDO - Mới đây, trong điếu văn của Ban Lễ tang Thành phố do đồng chí Nguyễn Văn Ðua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban lễ tang Ðại tá Hồ Thị Bi, đã đánh giá về những công lao to lớn của Anh hùng LLVTND Hồ Thị Bi,  nữ đảng viên trung kiên đã hơn 70 năm theo Ðảng, theo cách mạng và  luôn gan dạ, dũng cảm hy sinh quên mình trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc.  

Ðại tá Hồ Thị Bi tên thật là Hồ Thị Hoa, sinh ra và lớn lên ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Từ vùng quê Nam Kỳ Khởi nghĩa (1940), lớn lên bà đã rất thấu hiểu thân phận của người dân mất nước. Do vậy, ngay tại vùng quê giàu truyền thống này, bà và chị em phụ nữ huyện Hóc Môn dấn thân vào cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm từ rất sớm. Năm 1937, khi  được đứng vào hàng ngũ của Ðảng, bà tham gia công tác binh vận, đấu tranh bãi thị, đòi giảm thuế chợ, bênh vực chị em nghèo khổ bị áp bức, bất công.

Sau ngày Nam Bộ kháng chiến, thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm  Nam Bộ, bà về lại cứ địa tại Hóc Môn (căn cứ tại rạch Ông Hồ, xã Thới Tứ, Hóc Môn). Từ căn cứ này, dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ Hóc Môn và lực lượng vũ trang Sài Gòn, bà  gây dựng lực lượng và tiến hành nhiều trận đánh khét tiếng, đập tan nhiều bốt đồn của địch. 

 Nhập ngũ từ năm 1946 đến 1950, bà được cử làm Trưởng ban Công tác số 12 (Biệt động thành), chỉ huy Ðại đội 2804 kiêm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 935 (thuộc Trung đoàn 312 của tỉnh Gia Ðịnh). Với sự mưu trí, dũng cảm và tài thao lược, bà đã nhiều lần khiến cho bọn tay sai của thực dân Pháp ở Hóc Môn phải khiếp đảm. Nhiều trận đánh đầy mưu trí của Biệt động thành do bà tham gia đã làm cho kẻ thù khiếp sợ.  Năm 1951, bà được giao nhiệm vụ đứng đầu Tiểu đoàn 999 đi gây dựng  căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh) trên tuyến địa vùng biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Vượt qua muôn vàn gian khó, vượt qua rào cản "cầm quân" của một tiểu đoàn trưởng, bà cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên tuyến biên giới đặc biệt quan trọng này. Năm 1953, bà được điều động ra Việt Bắc,  Ðại tá Hồ Thị Bi vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người dành nhiều lời khen tặng với danh hiệu Nữ kiệt miền Ðông. Nhìn lại tấm ảnh quý mà Bác Hồ tiếp đoàn dũng sĩ miền nam ra thăm Thủ đô, Ðại tá Hồ Thị Bi đứng bên trái Bác, đại diện cho hàng nghìn nữ dũng sĩ miền Nam ra báo cáo chiến công với Trung ương Ðảng và Bác Hồ.

Từ năm 1973, tuy  sức khỏe không còn như trước, bà vẫn được Trung ương tin tưởng phái vào chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ công tác. Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, những năm 1978 - 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra, với cương vị là Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, bà vẫn lăn lộn khắp nơi, vận động hỗ trợ cho hậu phương ổn định và tiếp lửa cho tiền tuyến.  

Nữ kiệt miền Ðông, Ðại tá Hồ Thị Bi được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất và năm 1994 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bà được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng và nhiều danh hiệu cao quý khác, xứng đáng danh hiệu Nữ kiệt miền Ðông - biểu tượng của phụ nữ Nam Bộ anh hùng.