Vòng xoáy áp lực

I-ta-li-a, Hung-ga-ri và Hà Lan trở thành các nước châu Âu mới nhất áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Ngày 3-11, Thủ tướng G.Côn-tê ký sắc lệnh giới nghiêm ban đêm áp dụng trên toàn I-ta-li-a; Thủ tướng V.Ô-ban tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Hung-ga-ri; còn Thủ tướng M.Rút-tơ ban bố phong tỏa bổ sung ở Hà Lan. Trước đó, các biện pháp hạn chế và phong tỏa được tái áp đặt hoặc siết chặt tại nhiều nước châu Âu, từ Pháp, Đức, Bỉ cho đến Anh và các nước Đông Âu.

Châu Âu rơi vào vòng xoáy dịch bệnh mới, với hơn một nửa số nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đang ở mức báo động đỏ về tốc độ lây nhiễm Covid-19, có nơi số ca mắc mỗi ngày cao gấp nhiều lần so thời điểm đỉnh dịch đầu tiên hồi tháng 3. Với áp lực đó, việc siết chặt quy định phòng dịch là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, khi các nền kinh tế châu Âu vẫn chưa thể vực dậy sau đợt phong tỏa vừa qua, việc tái đóng cửa và duy trì phong tỏa kéo dài không chỉ cản đà phục hồi, mà còn khiến “vết thương chưa lành” của các nền kinh tế thêm trầm trọng. Đóng cửa hay giãn cách xã hội phần nào giúp kiềm chế tốc độ lây lan dịch bệnh, song có thể làm tăng rối loạn xã hội, xuất phát từ tâm trạng mệt mỏi, bất bình của người dân. Thực tế, các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phòng dịch hà khắc gia tăng ở nhiều nước.

Làn sóng Covid-19 mới đang đẩy châu Âu vào vòng xoáy áp lực phải cân bằng các lựa chọn. Áp lực càng lớn hơn, khi châu Âu bước vào mùa đông và đối mặt nguy cơ kép từ dịch cúm mùa và dịch Covid-19.