Thành tựu lịch sử

Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24-10 xác nhận, với việc On-đu-rát phê chuẩn, Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) đã hội đủ điều kiện cần thiết để có hiệu lực, dự kiến vào tháng 1-2021. Quốc gia Trung Mỹ này là thành viên thứ 50 phê chuẩn TPNW, giúp kích hoạt hiệu lực của bản hiệp ước lịch sử.

Đại diện Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), tổ chức được trao giải Nô-ben Hòa bình năm 2017 và đóng vai trò chủ chốt thúc đẩy nỗ lực của LHQ thông qua TPNW, tuyên bố đây là một “thành tựu lịch sử”. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) coi đó là chiến thắng của nhân loại, mở ra tương lai an toàn hơn cho thế giới.

Được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 7-7-2017, TPNW quy định cấm các thành viên phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, tàng trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Đến nay, TPNW được 84 quốc gia, vùng lãnh thổ ký kết và chính thức có hiệu lực vào thời điểm 90 ngày sau khi được ít nhất 50 thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, cả năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ vẫn từ chối tham gia.

Không như vũ khí hóa học hay sinh học, vũ khí hạt nhân vẫn chưa bị cấm một cách toàn diện. Bởi thế, TPNW có hiệu lực là thành tựu lịch sử. Song, để tiến tới chấm dứt sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này, vẫn cần thêm nhiều nỗ lực, nhất là từ các cường quốc hạt nhân.