Quyết định nguy hiểm

Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) chính thức bị “khai tử” từ ngày 2-8. INF được Mỹ và Liên Xô (trước đây) ký năm 1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn. INF vốn được ca ngợi là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giúp ổn định châu Âu và chấm dứt Chiến tranh lạnh.

Tuy nhiên, mới đây, với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố, Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ INF với Nga kể từ ngày 2-2 vừa qua và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Đáp trả động thái của Mỹ, Nga thông báo sẽ rút khỏi INF trong vòng sáu tháng, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Washington, nêu rõ cáo buộc này là hoàn toàn “bịa đặt”.

Căng thẳng về INF khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga và Mỹ đối thoại để “đảo ngược” quyết định nêu trên và tránh khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tuy nhiên, Washington vẫn tuyên bố chính thức rút khỏi INF vào ngày 2-8.

Trước nguy cơ bất ổn gia tăng do INF hết hiệu lực, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres đã lên tiếng kêu gọi các bên cần tránh có những hành động gây bất ổn tình hình và khẩn trương tìm kiếm một thỏa thuận theo “cùng một hướng đi mới” nhằm kiểm soát hiệu quả vũ khí toàn cầu.