Kiểm soát vắc-xin

Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) M.Rai-ân vừa tuyên bố, việc cho ra đời một loạt vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ cho phép thế giới kiểm soát được đáng kể dịch bệnh vào năm 2021.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải về chất lượng vắc-xin. Theo WHO, tính đến giữa tháng 11, có 48 “ứng cử viên” vắc-xin đang trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ở người nhưng chỉ có 11 vắc-xin trong giai đoạn 3. Câu hỏi lớn nhất hiện nay là hiệu quả bảo vệ của các loại vắc-xin trên sẽ được duy trì trong bao lâu? Việc xuất hiện những bệnh nhân đã khỏi bệnh tái nhiễm với một vi-rút biến chủng càng làm tăng thêm những nghi ngại về thời gian vắc-xin phát huy hiệu quả bảo vệ.

Bên cạnh đó, việc nhiều người dân hiện không sẵn sàng tiêm vắc-xin phòng dịch cũng gây lo ngại. Kết quả khảo sát tại 15 quốc gia mới công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới vừa qua cho thấy, số người sẵn sàng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đã giảm từ mức 77% xuống 73% kể từ tháng 8 đến nay. Phân phối vắc-xin cũng đang là một vấn đề lớn hiện nay khi các nước giàu nhiều khả năng sẽ mua được phần lớn lượng vắc-xin sản xuất trong năm 2021. Việc một số người tìm kiếm lợi ích cho bản thân mình trước phần còn lại của xã hội, tại các nước đang phát triển cũng đang dẫn đến nguy cơ thị trường “chợ đen vắc-xin” bùng nổ và rất khó kiểm soát.

Xem ra, vắc-xin là “chìa khóa” của nhân loại trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu các quốc gia không kiểm soát được chất lượng và khâu phân phối sản phẩm quan trọng này, việc hình thành một thị trường hỗn loạn có thể “lợi bất cập hại”.