Hồi chuông báo động

Thế giới đang trải qua một mùa hè nóng nhất trong vòng 140 năm. Thời gian qua, hàng loạt quốc gia châu Âu ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 45°C. Tại Mỹ, gần 200 triệu người đối mặt với đợt nắng “thiêu đốt”.

Nắng nóng không chỉ khiến nhiều người chết và suy giảm sức khỏe, mà còn gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội. Tại châu Âu, hàng nghìn héc-ta rừng bị thiêu rụi. Nắng nóng đi kèm với hạn hán cũng làm sản lượng nông nghiệp của châu Âu năm nay sụt giảm mạnh. Tại miền bắc Pháp, hơn 500 ha lúa mì ở vùng Oise đã bị thiêu trụi.

Tại nhiều nước trên thế giới, hiện tượng thời tiết cực đoan đã tàn phá các vùng nuôi trồng hải sản, đồng thời gây ra những biến đổi và xáo trộn trong hệ sinh thái mà phải mất nhiều thập kỷ để phục hồi hoàn toàn.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo, đợt nắng nóng kỷ lục hiện nay đang đe dọa đẩy nhanh tốc độ tan chảy băng đá tại Bắc cực. Hiện tốc độ băng tan chảy tại Bắc cực nhanh gấp sáu lần so với những năm 80 của thế kỷ 20. Các chuyên gia cảnh báo, việc thải ra bầu khí quyển lượng lớn CO2 như hiện nay sẽ khiến hành tinh của chúng ta không còn là nơi con người có thể sinh sống.

Cộng đồng quốc tế cần chung tay thực hiện mục tiêu giảm khí thải CO2,nguyên nhân làm Trái đất nóng lên.