Hậu quả của xung đột

Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa công bố báo cáo cảnh báo, Yemen sẽ trở thành quốc gia nghèo đói nhất thế giới nếu xung đột ở nước này tiếp tục kéo dài. Báo cáo nêu rõ: “Nếu chiến sự tiếp tục kéo dài đến năm 2022, Yemen sẽ trở thành quốc gia nghèo đói nhất thế giới, với 79% dân số sống dưới mức nghèo đói và 65% được xếp vào hạng nghèo đói cùng cực”.

Do chiến tranh, số người nghèo đói tại Yemen đã tăng lên mức 47% dân số vào năm 2014 và dự báo sẽ chiếm 75% dân số vào cuối năm 2019.

Yemen, quốc gia nghèo đói nhất tại bán đảo A-rập, đã chìm vào xung đột sau khi lực lượng phiến quân Houthi chiếm giữ thủ đô Sanaa vào cuối năm 2014. Từ năm 2015, Liên minh quân sự do A-rập Xê-út dẫn đầu và ủng hộ Chính phủ Yemen của Tổng thống M.Hadi được quốc tế công nhận đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Houthi, được Iran hậu thuẫn. Tuy nhiên, đến nay, liên quân do A-rập Xê-út dẫn đầu vẫn chưa thể đánh bại được Houthi. Chiến sự tại Yemen vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt.

Theo UNDP, bốn năm xung đột vừa qua đã kéo lùi sự phát triển của Yemen tới 20 năm. Cuộc chiến liên miên tại Yemen đã làm hàng chục nghìn người chết, đẩy đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới, với 24,1 triệu người, chiếm hơn 70% dân số nước này, cần được viện trợ nhân đạo khẩn cấp.