Chuyện thời sự

Giải pháp

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Guterres vừa kêu gọi các nước đánh thuế khí thải các-bon, chấm dứt các chính sách ủng hộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng như ngừng xây thêm nhà máy điện chạy bằng than từ năm 2020 nếu thế giới thật sự muốn có cơ hội chấm dứt cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Hiện ngành năng lượng của thế giới vẫn dựa chủ yếu vào nguyên liệu hóa thạch và đây là “thủ phạm” gây ra 40% tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.

Nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính, nhiều nước phát triển đã cam kết lộ trình bỏ sử dụng than. Theo đó, Đức sẽ thôi dùng than vào năm 2038 và tám nước trong Liên hiệp châu Âu tuyên bố sẽ ngừng sử dụng than vào năm 2030.

Nghiên cứu của LHQ cho thấy, năng lượng tái tạo hiện là dạng năng lượng sản xuất điện thế hệ mới rẻ nhất ở 70% các khu vực trên thế giới, rẻ hơn cả điện than và điện khí. Tới năm 2030, điện gió và điện mặt trời được dùng phổ biến hơn sẽ khiến lượng điện sản xuất bằng than hay bằng khí giảm đi rất nhiều.

Trước tác hại của khí thải các-bon, số lượng công ty bảo hiểm ngừng cung cấp bảo hiểm và đầu tư vào các dự án khai thác than đã tăng gấp hai lần trong năm 2019.

Tập đoàn bảo hiểm AXA của Pháp tuyên bố sẽ ngừng đầu tư và sẽ rút hoàn toàn khỏi ngành than vào năm 2040.

Đây chính là những bước đi cụ thể và thiết thực để hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ môi trường và ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng khó lường.