Được giải cứu, người di cư vẫn mắc kẹt trên biển khi châu Âu từ chối tiếp nhận

NDO -

NDĐT - Cơ quan về người tị nạn của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 13-8 đã khẩn cấp hối thúc các chính phủ châu Âu cho phép hai tàu giải cứu người di cư đưa hơn 500 người di cư bị mắc kẹt trên biển vào đất liền trong bối cảnh các quốc gia châu Âu vẫn đang tranh cãi xem nước nào chịu trách nhiệm về vấn đề tiếp nhận người di cư.

Những người di cư được giải cứu vẫn lênh đênh trên biển dù được giải cứu (Ảnh: AP)
Những người di cư được giải cứu vẫn lênh đênh trên biển dù được giải cứu (Ảnh: AP)

Hơn 500 người di cư được giải cứu trong khi đang cố gắng vượt qua Địa Trung Hải từ Bắc Phi hiện đang trên những con tàu của các nhóm hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, chính phủ Italy đã cấm những tàu này đi vào lãnh thổ của họ. Đảo quốc Malta cũng từ chối cho những tàu chở người di cư cập các cảng biển của mình.

Hiện chưa rõ đâu là bến cảng an toàn cho những con tàu chở người di cư, dù hiện tại, cảng Lampedusa của Italy dường như là cảng gần nhất. Có khoảng 150 người di cư được giải cứu đang ở trên con tàu nhân đạo Open Arms mang cờ Tây Ban Nha kể từ khi họ được giải cứu trên Địa Trung Hải 13 ngày trước.

Trong thông cáo phát đi, Đặc phái viên tổ chức Chữ Thập đỏ Quốc tế khu vực trung Địa Trung Hải Vincent Cochetel nhấn mạnh, “đây là thời điểm chạy đua với thời gian bởi các cơn bão biển sắp xuất hiện và tình hình sẽ chỉ càng tồi tệ hơn”.

Trong khi đó, cho tới nay, số người di cư tới châu Âu bằng đường biển đã giảm dần. Theo Tổ chức Chữ Thập đỏ, trong năm 2019, gần 600 người đã bỏ mạng hoặc mất tích trên các vùng biển giữa Libya, Italy và Malta.

Đặc phái viên Cochetel hối thúc các con tàu “phải được cho phép cập cảng ngay lập tức và những hành khách trên tàu phải nhận được hỗ trợ nhân đạo cần thiết”.

Ngày 12-8, thuyền trưởng tàu Open Arms, Marc Reig đã gửi một bức thư tới Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Malta để yêu cầu Madrid cấp quy chế tị nạn cho 31 trẻ vị thành niên con tàu của mình. Tuy nhiên, một quan chức Tây Ban Nha ngày 13-4 cho hay, yêu cầu này của ông Reig không có tính pháp lý bởi một thuyền trưởng không có quyền bảo hộ với trẻ vị thành niên.

Hai tổ chức điều hành tàu cứu hộ Ocean Viking là Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) và tổ chức SOS Ðịa Trung Hải cũng đã yêu cầu chính phủ Italy và Malta cho phép 356 người di cư trên các tàu được phép lên bờ, vào lãnh thổ của các quốc gia này.

Từ năm 2015, các quốc gia này đã là điểm cập bến chính của những con tàu chở người di cư từ châu Phi để tới châu Âu. Italy, Malta và Hy Lạp vẫn luôn chỉ trích các đối tác châu Âu để những nước này phải tự xoay sở với dòng người di cư ngày một lớn.

Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini ngày 13-8 khẳng định lại quan điểm cứng rắn sẽ không để các tàu chở người di cư cập bến bất cứ cảng biển nào của nước này.

Sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên Eu về việc làm thế nào để quản lý được dòng người di cư khổng lồ này đã và đang châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị tại châu Âu. Trong khi đó, các nỗ lực cải tổ hệ thống cấp quy chế tị nạn của khối đã thất bại.

Ủy ban điều hành Liên hiệp châu Âu (EU) đã hối thúc các quốc gia hành động để giải quyết tình trạng của những người di cư trên biển được giải cứu gần đây và sẵn sàng hỗ trợ cho các chính phủ, nhưng nhấn mạnh họ không thể hành động đơn độc.