Cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Pháp còn nhiều nguy cơ, thách thức

NDO -

NDĐT - Nước Pháp đã trải qua hơn ba tuần áp dụng biện pháp phong tỏa, hạn chế tối đa sự di chuyển và tiếp xúc của người dân, tuy nhiên bệnh dịch vẫn diễn biến rất phức tạp và gây ra thiệt hại ngày càng lớn về sức khỏe, kinh tế. Dù đã có những kết quả đáng kể trong việc hạn chế sự lây lan, còn nhiều thách thức ở phía trước trong đó có viễn cảnh kinh tế ảm đạm chưa từng có cũng như nguy cơ tái bùng phát của dịch bệnh.

Paris không còn cảnh sôi động trong những ngày có dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.
Paris không còn cảnh sôi động trong những ngày có dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Có kết quả nhưng còn nhiều nguy cơ

Những kết quả đầu tiên của biện pháp phong tỏa ở Pháp đã được ghi nhận trong mấy ngày qua khi đà lây lan của virus corona có dấu hiệu chậm lại. Số ca cần điều trị tích cực bắt đầu giảm liên tiếp theo từng ngày và vào ngày 9-4, lần đầu tiên có số trường hợp cần chăm sóc điều trị thấp hơn hôm trước. Hàng loạt biện pháp cấp bách đã được triển khai để "giảm nhiệt" cho các bệnh viện, nhất là ở các điểm nóng như vùng thủ đô Ile-de-France và Grand Est ở phía đông. Bệnh nhân nặng ở hai khu vực này được chuyển bớt tới các vùng ít bị ảnh hưởng, đồng thời tăng cường thêm nhân viên y tế.

Tình hình ở các bệnh viện có dấu hiệu dịu bớt nhưng người dân ở một số nơi bắt đầu có tâm lý chủ quan, không lo bị nhiễm. Chưa bao giờ người dân ở Pháp phải "cố chịu" ở nhà nhiều ngày liền như vậy trong khi trời nắng đẹp, hoa bung nở khắp nơi. Đa số kiên nhẫn trông ngóng từng ngày tới thời hạn hết lệnh phong tỏa để ra khỏi nhà đi nghỉ vào dịp lễ Phục sinh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không chịu ở yên, ra đường hay di chuyển đến nơi khác dù chính quyền tăng cường lực lượng kiểm soát nghiêm ngặt.

Ngày 9-4, Bộ Nội vụ Pháp cho biết, kể từ ngày 17-3, các lực lượng cảnh sát và hiến binh Pháp đã tiến hành gần 10 triệu lượt kiểm soát, phạt gần 570 nghìn trường hợp vi phạm. Chỉ riêng ba ngày gần đây, có tới hơn 1,4 triệu lượt kiểm tra mục đích ra đường của người dân. Thống kê này cho thấy người dân có dấu hiệu mất kiên nhẫn và mất cảnh giác với bệnh dịch hiện còn lây lan rộng và vẫn chưa đạt đỉnh.

Chính phủ Pháp và các chuyên gia y tế tiếp tục đưa ra nhận định rằng bệnh dịch còn tiếp diễn nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe của bất kỳ lứa tuổi nào. Thực tế đúng như vậy. Pháp vẫn đang cố gắng thực hiện mục tiêu xét nghiệm ở quy mô lớn hay tiến hành sàng lọc bất kỳ trường hợp nào có triệu chứng hay nghi bị nhiễm virus corona. Bệnh dịch mới có dấu hiệu chậm lại chứ chưa giảm đáng kể. Thống kê số người bị ảnh hưởng do Covid-19 tiếp tục tăng rất đáng lo ngại, lên tới gần 118 nghìn ca nhiễm và hơn 12 nghìn ca tử vong tính tới tối 9-4. Hơn nữa, các biện pháp chống dịch hiện nay ở Pháp mới chỉ tập trung vào việc cứu chữa những người phải nhập viện, không có đủ điều kiện để phát hiện và cách ly trên toàn quốc. Trước tình trạng như vậy, báo chí Pháp đăng rất nhiều bài, kêu gọi mọi người hãy tiếp tục "ở nhà" thể hiện trách nhiệm với công đồng thay vì chọn cách "buông thả" để tránh nguy cơ cho mình và người khác.

Biện pháp chống dịch sau lệnh phong tỏa

Chính phủ Pháp đang xem xét các giải pháp cho giai đoạn "hậu phong tỏa" được cho là cũng rất khó khăn, phức tạp không kém việc ban hành biện pháp phong tỏa gần như toàn bộ hoạt động của đất nước để dồn sức ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch. Vấn đề nan giải hiện nay là chưa có phương pháp điều trị hiệu quả cao cho những người mắc Covid-19, còn việc sản xuất vaccine được cho là phải mất nhiều tháng nữa. Virus corona vẫn còn lây lay nhưng nước Pháp không thể duy trì mãi tình trạng "ở nhà."

Theo thông báo của Phủ Tổng thống đưa ra ngày 8-4, Chính phủ Pháp sẽ kéo dài thời hạn của lệnh phong tỏa vì bệnh dịch còn diễn biến rất phức tạp. Kể cả khi dịch bệnh trong tầm kiểm soát nhưng chắc chưa hết hẳn vì vậy vẫn cần các phương tiện để phát hiện, ngăn chặn hay cách ly kịp thời người nhiễm nhằm tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Các biện pháp rào cản hiện nay ở Pháp là hạn chế tối đa di chuyển, giữ khoảng cách. Tuy vậy, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn nhiều vì thiếu đồ chống dịch.

Ngày 31-3, Tổng thống Pháp đã khẳng định rằng một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ là tăng cường năng lực sản xuất sản phẩm y tế chống dịch để hoàn toàn tự chủ. Đó cũng là mong muốn của hệ thống y tế Pháp để có đủ phương tiện điều trị bệnh nhân, xét nghiệm để sàng lọc trên diện rộng. Mục tiêu có thể đạt được trong mấy tháng tới, còn hiện nay Pháp tiếp tục phải nhập thiết bị y tế, thuốc men chống dịch từ nước ngoài.

Nguồn cung cấp khẩu trang y tế, kể cả nhập khẩu, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân viên y tế và các lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch, chưa tính tới số lượng rất lớn cho người dân. Còn nhiều nguy cơ lây lan từ những trường hợp nhiễm virus corona mà không có triệu chứng. Vì vậy, ngày 3-4, Viện Hàn lâm Y học Pháp khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Sau đó Bộ trưởng Y tế Pháp khuyên mọi người đeo khẩu trang may bằng vải thông dụng cũng được. Rồi Bộ Nội vụ Pháp cho rằng việc đeo khẩu trang đề phòng nguy cơ lây nhiễm virus không phải là hành vi vi phạm pháp luật, như quy định phạt 150 euro nếu che mặt trong luật, và đây là trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tình thế vì khẩu trang y tế mới có tác dụng ngăn lây nhiễm khi tiếp xúc gần.

Một giải pháp khác được cho là linh hoạt để khôi phục hoạt động cho đời sống chính trị, kinh tế-xã hội... đang được Chính phủ Pháp xem xét, đó là sử dụng kỹ thuật "định vị qua điện thoại" để xác định vị trí người nhiễm. Châu Âu có quan điểm hoàn toàn khác về cách kiểm soát này vì liên quan đến việc sử dụng dữ liệu cá nhân. Vì vậy, khả năng Pháp và các nước châu Âu sẽ áp dụng biện pháp xác định các tiếp xúc của người nhiễm để các cơ quan y tế gửi cảnh báo những người ở bên cạnh thông qua kỹ thuật Bluetooth. Khi đó, bất kỳ ai tiếp xúc gần với người bị nhiễm có thể nhanh chóng đi xét nghiệm, chủ động cách ly hoặc điều trị kịp thời.

Cuối tháng 3, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner đã loại trừ việc sử dụng biện pháp này nhưng mới đây lại cho rằng có thể áp dụng nếu người dân ủng hộ với điều kiện bảo vệ các quyền tự do cá nhân và chỉ cho mục đích khống chế bệnh dịch. Chính phủ Pháp đã trình Quốc hội xem xét dự án dùng ứng dụng cho điện thoại di động để theo dõi những người mắc Covid-19. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Le Monde, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran và Quốc vụ khanh đặc trách kỹ thuật số Cédric O cho biết, việc cài đặt ứng dụng định vị tại Pháp sẽ dựa trên cơ sở tình nguyện. Và đây là một khả năng để xem xét việc dỡ bỏ thời hạn phong tỏa. Kết quả thăm dò do tờ Le Monde vừa tiến hành cho thấy nhiều người ủng hộ, chấp nhận một số giới hạn về quyền tự do cá nhân trong giai đoạn sức khỏe bị đe dọa. Phương án này cũng đang được các nước châu Âu khác xem xét, nếu áp dụng cũng cần có một khuôn khổ chung để quản lý và bảo đảm các quyền tự do của công dân các nước trong khu vực được tôn trọng.

Dù vậy, một số chuyên gia y tế ở Pháp cho rằng hiệu quả cần phải được kiểm tra qua thực tế. Vì về mặt dịch tễ học, còn nhiều vấn đề chưa được giải đáp cụ thể. Ví dụ, sau thời gian bao lâu thì một người nhiễm bệnh không triệu chứng có nguy cơ lây nhiễm sang người khác? Mật độ virus để xuất hiện nguy cơ lây nhiễm? Ở khoảng cách bao nhiêu và trong thời bao lâu, một tiếp xúc được coi là có nguy cơ lây nhiễm?

Lựa chọn kinh tế và sức khỏe

Thông báo của Phủ Tổng thống Pháp đã nêu rõ rằng Tổng thống Emmanuel Macron sẽ công bố quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa vào ngày 13-4. Như vậy nước Pháp sẽ tiếp tục hạn chế tối đa các hoạt động để khống chế dịch Covid-19, có thể tới cuối tháng 4 hoặc cũng có thể lâu hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với tiếp diễn trạng thái "nghỉ" của các lĩnh vực. Pháp và một số nước châu Âu buộc phải chọn giải pháp này vì thiệt hại về người do dịch Covid-19 còn nghiêm trọng và chưa có "thuốc" chữa bệnh và khổng chế dịch triệt để.

Nước Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực EU, đang trải qua giai đoạn khủng hoảng sức khỏe chưa từng có, kéo theo thiệt hại vô cùng lớn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế. Ngày 8-4, Ngân hàng Trung ương Pháp ước tính GDP của Pháp suy giảm 6% trong quý một năm nay, mức tồi tệ nhất kể từ năm 1945. Cùng với mức tăng trưởng -0,1% trong quý bốn năm 2019, về mặt kỹ thuật nước Pháp đã bước vào giai đoạn suy thoái. Không thể đi làm, gần 6 triệu người ở Pháp đang hưởng chế độ thất nghiệp tạm thời.

Do các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19, guồng máy sản xuất của Pháp chỉ hoạt động khoảng 32% công suất, mức tiêu thụ của hộ gia đình cũng sụt giảm khoảng 30%. Thiệt hại đã vô cùng lớn, mất khoảng 20 tỷ euro trong vòng hai tuần kể từ ngày 17-4 và "tiêu hao" gần năm năm tăng trưởng của Pháp, đồng thời phá vỡ mục tiêu cân bằng ngân sách trong hàng chục năm.

Đây là thiệt hại vô cùng lớn do dịch bệnh và vẫn chưa biết khi nào giảm bớt. Một số doanh nghiệp Pháp đã kêu gọi Chính phủ xem xét việc cho hoạt động trở lại phần lớn các hoạt động kinh tế quan trọng nếu không nền kinh tế sẽ bị "chìm." Thực tế Tổng thống Pháp đang phải đối mặt với một lựa chọn "bất khả thi." Nếu nới lỏng lệnh phong tỏa để mọi người đi làm và di chuyển tự do quá sớm, nước Pháp có nguy cơ rơi vào đợt bùng phát dịch tiếp theo và hậu quả sẽ khó lường. Khi đó, không chỉ thiệt hại nặng nề hơn gấp bội cả về sức khỏe và cả kinh tế.

Pháp đã đưa ra các gói hỗ trợ ngắn hạn rất ưu đãi cho người lao động và doanh nghiệp. Bên cạnh biện pháp trả lương thất nghiệp tạm thời, còn có khoản bảo lãnh tới 300 tỷ euro để các công ty lớn có thể vay ngân hàng và năm nghìn euro/tháng cho doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thế. Phương án này có thể mang lại hiệu quả hồi phục rất nhanh sau dịch hay còn gọi là kiểu hồi phục hình chữ V. Tuy nhiên, điều đó sẽ phụ thuộc rất lớn vào thời hạn phong tỏa chống dịch, lâu quá ngưỡng chịu đựng thì rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

Chính phủ Pháp đang huy động tất cả lực lượng để cứu chữa hơn 30 nghìn bệnh nhân trong bệnh viện, nghiên cứu phương pháp chữa bệnh hiệu quả, tăng tỷ lệ xét nghiệm để phát hiện và cách ly những người bị nhiễm, phương án và công cụ để dập dịch nếu tái pháp rồi mới khôi phục hoạt động trên các lĩnh vực. Cho tới lúc có các điều kiện như vậy chắc phải sau vài tuần, thậm chí một vài tháng nữa. Các cửa hàng, công ty nhỏ, nhà hàng, dịch vụ các loại trừ nơi cung cấp hàng thiết yếu đóng cửa suốt hơn ba tuần qua, dẫn đến thiệt hại khủng khiếp không chỉ cho Nhà nước mà cả những người kinh doanh. Các nhà kinh tế Pháp ước tính hậu quả kinh tế tăng gấp bội sau mỗi tuần phong tỏa.

Hiện chưa ai có thể ước tính được khi nào và khả năng hồi phục của nền kinh tế Pháp. Trong khi đó, số bệnh nhân nặng mới ở mức chững lại chứ chưa giảm hẳn xuống. Bệnh dịch chưa được khống chế. Quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa cho thấy Tổng thống Macron và Chính phủ Pháp không chọn giải pháp "buông lỏng" mà xác định nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhằm tránh nguy cơ tái bùng phát dịch và bảo đảm sự an toàn cho cho tất cả lực lượng có thể giúp đất nước "hồi phục" sau khi dịch bệnh qua đi.