Điểm thời sự

Chiến lược mới về dầu mỏ

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết, nguồn cung dầu mỏ trên thế giới trong năm 2019 sẽ vượt nhu cầu. Do vậy, các nước xuất khẩu dầu mỏ cần áp dụng những chiến lược mới trên cơ sở điều chỉnh sản lượng.

Cơ sở lọc dầu Rát Ta-nu-ra của A-rập Xê-út.
Cơ sở lọc dầu Rát Ta-nu-ra của A-rập Xê-út.

Nhận định trên được OPEC đưa ra sau cuộc họp Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC và các nước ngoài OPEC (JMMC) tại thủ đô A-bu Đa-bi của Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE). Cuộc họp đã xem xét nguồn cung cũng như nhu cầu về dầu mỏ hiện nay và đi đến nhận định, trong năm 2019, nguồn cung dầu trên toàn cầu sẽ cao hơn mức cầu. Vì vậy, các nước sản xuất dầu sẽ tiếp tục cân nhắc những lựa chọn về điều chỉnh sản lượng của năm tới, theo đó đòi hỏi có những chiến lược mới để cân bằng thị trường.

Động thái nêu trên diễn ra khi chỉ trong vòng một tháng qua, giá dầu mỏ thế giới đã giảm một phần năm giá trị sau khi tăng tới mức cao nhất trong vòng bốn năm hồi đầu tháng 10 vừa qua, do sự gia tăng nguồn cung và những lo ngại về nhu cầu đối với mặt hàng này tăng chậm. Trước tình hình này, A-rập Xê-út - quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới cho biết, sẽ cắt giảm sản lượng dầu. Theo đó, từ tháng 12, nước này sẽ cắt giảm 500 nghìn thùng /ngày trong thời điểm OPEC và các nước ngoài OPEC chưa đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm thêm sản lượng dầu.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, giá dầu thô giảm đã phản ánh tâm lý ít lo ngại hơn về nguồn cung dầu mỏ sau khi Nga và nhiều nước thành viên OPEC nâng sản lượng. Thị trường dầu mỏ thế giới trở nên ổn định hơn do sản lượng tăng 300 nghìn thùng/ngày và nhu cầu tăng nhanh. Tuy nhiên, IEA cũng không loại trừ khả năng hoạt động cung cấp dầu mỏ trên thế giới trở thành một thách thức khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của I-ran, quốc gia đứng thứ ba trong OPEC, có hiệu lực, cùng với những vấn đề về sản lượng ở một số quốc gia.

Giá dầu thế giới giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ đối với I-ran có hiệu lực, cũng như những căng thẳng thương mại giữa Oa-sinh-tơn với các nước đối tác có thể làm giảm nhu cầu dầu thô trên toàn thế giới. Giới chuyên gia cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực tài chính và dầu mỏ của I-ran có nguy cơ đe dọa sự cân bằng của thị trường dầu thô thế giới. Nguyên nhân khiến giá dầu giảm được cho là cũng do việc Oa-sinh-tơn miễn áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ I-ran đối với tám nền kinh tế vốn nhập khẩu tới hơn 80% dầu mỏ của I-ran trong năm 2017, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, I-ta-li-a, Hy Lạp, Đài Loan (Trung Quốc). Trong khi trước đó, Mỹ tuyên bố áp đặt các đòn trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay đối với I-ran, có thể khiến sản lượng dầu của nước cộng hòa Hồi giáo này giảm mạnh nhất so với các đợt trừng phạt trước. Xuất khẩu dầu mỏ của I-ran đã giảm 1,2 triệu thùng/ngày, khi hàng loạt nước châu Âu giảm mua hàng của I-ran. Một lý do nữa là nguồn cung dư thừa từ các quốc gia sản xuất dầu lớn trên thế giới, khi tổng sản lượng của Nga, Mỹ và A-rập Xê-út lần đầu lên tới hơn 33 triệu thùng/ngày trong tháng 10 vừa qua, chiếm hơn một phần ba lượng tiêu thụ gần 100 triệu thùng/ngày của cả thế giới.

Nga cáo buộc các lệnh trừng phạt của Mỹ và chính sách chiến tranh thương mại có thể làm xói mòn những nỗ lực của OPEC và gây bất ổn thị trường dầu mỏ. Nga cho rằng những hành động gây bất ổn của Mỹ đối với tình hình quốc tế có thể làm chệch hướng những nỗ lực mà các nhà xuất khẩu dầu mỏ tham gia thỏa thuận này (thỏa thuận OPEC+) đang tạo ra nhằm ngăn chặn một đợt tăng giá đột ngột mới. Nga khẳng định, nước này đã nghiêm túc kiên trì tuân thủ thỏa thuận OPEC+ nhằm bình ổn thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, các bước đi của Mỹ có thể gây nguy hiểm cho việc thực thi đầy đủ thỏa thuận OPEC+.