“Vùng nóng” cuối năm

Theo báo cáo vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Quốc hội, trong tám tháng năm 2019, tín dụng bất động sản (BÐS) đã tăng 14,58%, cao gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành và chiếm gần một phần năm tổng dư nợ nền kinh tế. Mức tăng này khiến nhiều chuyên gia bất ngờ bởi từ đầu năm đến nay, NHNN liên tục siết dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.

Trong khi đó, do thị trường tăng sức hút càng khiến nhiều doanh nghiệp BÐS rầm rộ phát hành trái phiếu để huy động vốn. Trong cả ba quý vừa qua, có tới 41% số doanh nghiệp BÐS trên thị trường tham gia chào bán trái phiếu doanh nghiệp, phát hành khoảng 37.000 tỷ đồng trái phiếu vào thị trường.

Các khách hàng tham gia mua trái phiếu hầu hết là các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các ngân hàng thương mại, vì chịu sức ép từ phía NHNN, dù đã không cấp tín dụng trực tiếp nhưng vẫn "chi gián tiếp" tới 7.410 tỷ đồng để thu mua hơn 20% tổng lượng trái phiếu mà doanh nghiệp BÐS phát hành.

Thực chất, nhìn trên số liệu, tăng trưởng tín dụng BÐS năm nay thấp hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, khi nhìn từ diễn biến trên thị trường kể từ đầu năm đến nay, dòng vốn tín dụng BÐS lại liên tục tăng trưởng, không có xu hướng "đóng băng". Ðộ mở của thị trường giúp tín dụng chảy vào BÐS trở nên đa dạng hơn và cũng "an toàn hơn" khi hơn 70% vốn huy động từ ngân hàng là vốn ngắn hạn.

TS Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, tín dụng BÐS tăng cao, song dư nợ cho vay trực tiếp của các doanh nghiệp BÐS lại tăng chậm và chỉ chiếm phần nhỏ. Cơ cấu tín dụng đã chuyển từ cho vay chủ đầu tư sang cho vay tiêu dùng. Ðây là tín hiệu tích cực giúp hạn chế rủi ro cho các ngân hàng cũng như giảm nguy cơ bong bóng cho thị trường BÐS. Nhưng điều này chưa thể đủ sức hạn chế rủi ro bởi các ngân hàng vẫn khó kiểm soát được các cá nhân vay vốn với mục đích đầu cơ.

Vì vậy, để dòng vốn này duy trì sự ổn định dài hạn, NHNN, ngoài tiếp tục hạn chế dòng tín dụng vào đầu tư kinh doanh BÐS, cần ban hành chỉ thị để các NHTM tách bạch dòng tiền vay mua nhà với vay mua sắm thông thường trong bảng thống kê tín dụng tiêu dùng.

Thậm chí, yêu cầu các ngân hàng hạn chế vốn vay dài hạn đổ vào các dự án BOT, BT, chỉ được chiếm một lượng nhỏ (dưới 10%) trong tổng nguồn vốn vay tín dụng của các ngân hàng. Tất cả nhằm cung cấp cho các cơ quan quản lý nhìn rõ cán cân dòng vốn trên tổng nguồn vốn tín dụng để kịp thời cân đối. Quan trọng là để tạo "lý do" khiến các chủ đầu tư BOT, BT tìm kiếm dòng vốn khác.

Bên cạnh đó, khi hiện nay, Chính phủ đã có chỉ thị quản lý chặt chẽ thị trường BÐS, đặc biệt là siết chặt việc đầu tư mới các dự án BÐS cao cấp, càng trở thành lý do để các cơ quan quản lý ra "điều kiện" khiến các doanh nghiệp BÐS, các NHTM phải tuân theo khi huy động vốn.