Từ chuyện bãi rác Nam Sơn

Ngày 14-1, lối ra vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (Hà Nội) - tên thường gọi bãi rác Nam Sơn - thông trở lại, sau khi người dân ngừng việc phong tỏa lối ra vào này.

Trước đó, ngày 13-1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Thế Hùng - đã trực tiếp đối thoại với người dân chặn xe chở rác. Cùng ngày, lãnh đạo thành phố đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được yêu cầu, trước ngày 17-1 này phải trình đề xuất quyết định giao huyện Sóc Sơn bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo ranh giới, chỉ giới quy hoạch vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m của Khu liên hợp. Trước ngày 20-1, Sở này phải thẩm định xong bản đồ hiện trạng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m quanh Khu liên hợp. Ðồng thời, phối hợp với huyện để phê duyệt và bàn giao mốc giới, chủ trì, phối hợp cùng huyện hoàn thiện hồ sơ cập nhật danh mục dự án thu hồi đất.

Với huyện Sóc Sơn, UBND thành phố yêu cầu trước ngày 17-1 phải nộp hồ sơ xác định ranh giới, chỉ giới đường đỏ vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m quanh Khu liên hợp cho Viện Quy hoạch xây dựng, tổ chức cắm mốc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xong trước ngày 15-2. Tới ngày 30-3-2019, phải lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dân, bảo đảm tiến độ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ từ quý II năm nay.

Viện Quy hoạch xây dựng được yêu cầu, trước ngày 23-1 phải hoàn thành xong việc xác định ranh giới, chỉ giới đường đỏ vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m Khu liên hợp. Với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, phải hoàn thành việc chấp thuận ranh giới, chỉ giới đường đỏ vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m Khu liên hợp trước ngày 30-1. Quỹ Ðầu tư phát triển thành phố được yêu cầu phải ứng vốn giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ phê duyệt phương án của UBND huyện Sóc Sơn.

Như vậy là, Hà Nội đã xử lý rất "kinh nghiệm", không để việc dân phong tỏa lối vào bãi rác Nam Sơn trở thành cuộc khủng hoảng rác của thành phố. Nói "kinh nghiệm" vì đây không phải lần đầu bãi rác này bị phong tỏa, mà đã vài lần. Trong năm 2016, để giải tỏa những kiến nghị của người dân, đích thân Chủ tịch UBND thành phố đã đối thoại và có những chỉ đạo tiến hành thủ tục bảo đảm quyền lợi cho người dân trong vùng ảnh hưởng của bãi rác. Tới lần này, chỉ bốn ngày sau khi dân phong tỏa lối ra vào, UBND thành phố đã cơ bản có những chỉ đạo thiết thực để "tháo ngòi" việc phong tỏa.

Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh, bãi rác Nam Sơn đã hoạt động tròn 20 năm, dự kiến sẽ đóng cửa sau vài năm sắp tới. Từng đó thời gian, vài lần bị phong tỏa, mà đến nay việc triển khai thủ tục mới "cấp tập" được chỉ đạo!? Từ đây có thể thấy, chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội có trách nhiệm trong việc chậm trễ này. Và hậu quả trước tiên do người dân gánh chịu. Việc phong tỏa lối vào bãi rác là chỉ báo cho sự bế tắc của người dân trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía chính quyền. Ðừng để thủ tục quản lý chậm đến nỗi để dân bộc phát thì mới "chịu" nhanh, cái này thì lãnh đạo nào cũng hiểu, làm được lại tùy bộ máy.