Tiếp sức cho nữ doanh nhân

“Tính nữ” đã giúp cho nữ doanh nhân có sự nhạy bén, sáng tạo riêng trong kinh doanh, và đa phần trong đó, không chỉ tìm kiếm lợi nhuận theo lẽ thường, mà họ còn gánh lấy những trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 350.000 doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ sẽ khả thi khi mà chính sách đóng tròn vai “bà đỡ”.

Khi có chính sách khuyến khích phù hợp, tỷ lệ doanh nghiệp nữ chủ cũng sẽ tăng tương xứng với lực lượng lao động nữ.
Khi có chính sách khuyến khích phù hợp, tỷ lệ doanh nghiệp nữ chủ cũng sẽ tăng tương xứng với lực lượng lao động nữ.

Những “bóng hồng” trên thương trường

Nhìn nhận về giá trị của nguồn lực lao động nữ và vai trò của những nữ doanh nhân, có lẽ thấu đáo hơn cả chính là để họ tự nói về mình. Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, người phụ nữ duy nhất trong số 152 lãnh đạo của Tập đoàn Deloitte trên toàn cầu cho rằng, công ty có thành viên HĐQT nữ thì tính bền vững cao hơn. “Nghiên cứu tại các nước ASEAN chỉ ra rằng, trong những giai đoạn khủng hoảng của các công ty nói riêng và khủng hoảng của thị trường chứng khoán nói chung thì công ty nào có thành viên HĐQT nữ sẽ vượt qua khủng hoảng tốt hơn, ổn định và bền vững hơn”, bà Hà Thu Thanh nói. Do đó, tại Việt Nam cũng đang khuyến khích và bắt đầu quá trình đa dạng hóa các thành viên HĐQT, hướng tới tăng số lượng và tỷ lệ thành viên nữ trong HĐQT.

Còn nhớ hồi tháng 5-2018, trong Diễn đàn-Tập huấn kỹ năng lãnh đạo và phát triển DN dành cho nữ lãnh đạo DN, tổ chức tại Hải Phòng, hơn 100 nữ doanh nhân đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm nhiều ý nghĩa. Nhiều con số tại buổi chia sẻ đã cho thấy, những mặt mạnh của người phụ nữ trong vai trò lãnh đạo DN. Con số thống kê được đưa ra là khoảng 31% số DN do phụ nữ điều hành, tương đương hơn 100.000 DN, chủ yếu nhỏ và vừa cũng đủ nói lên vị thế và sự cố gắng của người phụ nữ. Đánh giá về điều này, bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố Hà Nội khẳng định, các nữ doanh nhân Việt Nam khá năng động, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, quản trị. Nhiều doanh nhân nữ đã kết nối, giao lưu, tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và ra nước ngoài học hỏi. Họ tích cực tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường. Họ luôn đau đáu một điều, làm thế nào để tạo ra những sản phẩm tốt, có chất lượng.

Cần thêm những đề án nhân văn

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, các DN do phụ nữ làm chủ có các điểm mạnh là nỗ lực vượt qua khó khăn, thường quan tâm đến các chính sách cho người lao động. Tuy nhiên, DN nữ chủ còn nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp, định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ trong kinh doanh vẫn còn tồn tại...

Để hỗ trợ cho người phụ nữ trong quyết tâm khởi nghiệp và chèo lái con thuyền DN, về phía Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Đáng kể nhất là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, nhằm hỗ trợ cho 20.000 phụ nữ khởi nghiệp. Thực hiện Đề án này, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ 2.000 phụ nữ khởi nghiệp, tư vấn cho 4.000 DN mới thành lập. UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chủ trì, phối hợp, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về tinh thần khởi nghiệp; hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh.

Đánh giá bao trùm về Đề án đang được thực hiện ở nhiều địa phương, bà Hồ Thị Quý, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho hay, đây là một đề án nhân văn, có yếu tố khuyến khích chị em tự tin phát triển kinh doanh, để tỷ lệ DN nữ chủ tương xứng với lực lượng lao động nữ.

Một điều khác nữa, Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành ngày 12-6-2017, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, cũng đã quy định ưu tiên phát triển DNNVV do phụ nữ làm chủ. Ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, DN do phụ nữ làm chủ có một hoặc nhiều phụ nữ sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, trong đó có ít nhất một người quản lý điều hành. Trong hỗ trợ, trường hợp nhiều DNNVV đáp ứng điều kiện thì ưu tiên lựa chọn đơn vị do phụ nữ làm chủ, hoặc sử dụng nhiều lao động nữ.

Mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2020, nước ta có khoảng 350.000 DN do phụ nữ làm chủ. Mục tiêu gia tăng số lượng sẽ khả thi khi ngày càng có nhiều phụ nữ dấn thân, khởi nghiệp, nhưng sức khỏe của DN sẽ được củng cố hơn nữa nếu tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng. Nói như chị Nguyễn Phương Anh, một chủ DN may mặc tại Hà Nội, chỉ cần được tiếp sức, chúng tôi cam đoan “sức khỏe” của DN sẽ tốt hơn, sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế - xã hội và phát triển cộng đồng.