“Thuốc” trị chuyển giá

Theo Kiểm toán Nhà nước, Việt Nam có khoảng 50% số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ, trong đó, nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Nhưng nếu chỉ nhìn vào con số nói trên thì không thể khẳng định tất cả những doanh nghiệp này đang chuyển giá bất hợp pháp. Muốn làm rõ vấn đề này, sẽ cần phải xem xét từ cả góc độ chuyên môn lẫn thực tiễn.

Theo lý thuyết, chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn hay nhóm liên kết không theo giá thị trường, nhằm tối thiểu hóa số thuế của các tập đoàn hay của nhóm liên kết. Đầu tiên phải khẳng định, đây là một hoạt động phổ biến trong các tập đoàn cả trong và ngoài nước.

Chuyển giá là các quy tắc và phương pháp định giá cho các giao dịch nội bộ và giữa các doanh nghiệp thuộc cùng một hệ thống sở hữu hoặc kiểm soát. Do những giao dịch liên kết xuyên biên giới có thể làm thay đổi thu nhập chịu thuế, các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia có thể áp dụng những phương pháp xác định giá khác với những phương pháp thông thường dựa trên giá thị trường giữa những doanh nghiệp độc lập. Do đó, vấn đề chuyển giá tồn tại cả hai mặt khác nhau, đó là “lạm dụng chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận” và “hoạt động chuyển giá tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế”.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn. Yếu tố cốt lõi để phát hiện chuyển giá chính là nắm được giá thị trường để làm căn cứ phát hiện và xử lý những giao dịch dựa trên quan hệ liên kết với giá phi thị trường. Cách nhìn nhận không phù hợp và thiếu khách quan về những giao dịch chuyển giá sẽ tạo nên những thách thức và rào cản đối với các nhà đầu tư xuyên quốc gia khi quyết định đầu tư tại Việt Nam. Cần thiết phải có những phương pháp xác định các mức giá phù hợp đối với các giao dịch này, bao gồm cả các giao dịch hữu hình, vô hình, dịch vụ, tài chính hay phân bổ chi phí/cổ phần. 

Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) - một biện pháp hiệu quả trong việc quản lý những rủi ro về giá, cũng đã được nghiên cứu để áp dụng trong quản lý thuế ở Việt Nam, nhưng đến nay chưa thật sự được triển khai. Trong bối cảnh ấy, để giải quyết vấn đề còn chưa rõ ràng này,  có thể xem xét vận dụng nguyên tắc khái niệm “giá thị trường” được Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đưa ra. Bằng cách cung cấp các hướng dẫn liên quan đến thỏa thuận trước về giá, các doanh nghiệp có thể cung cấp cơ sở cho việc định giá của bên liên quan cho cơ quan thuế phê duyệt trước khi thực hiện giao dịch. Hiện Việt Nam đã áp dụng nguyên tắc của OECD tại một số văn bản pháp lý về quản lý thuế, nhưng chưa ký kết được thỏa thuận nào. 

Để giải quyết căn cơ tình trạng chuyển giá, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về chuyển giá để lấp những lỗ hổng trong quản lý doanh thu, chi phí thực của doanh nghiệp. Chỉ khi xây dựng và ban hành Luật Chống chuyển giá, làm rõ tất cả các nội dung chống chuyển giá, từ phòng ngừa, ngăn chặn, đến phát hiện, xử lý hành vi chuyển giá, chúng ta mới có thể thực thu được từ dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp.