Tập trung ổn định sản xuất

Sáng 11-2, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì cuộc họp với cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài lắng nghe phản ánh về tác động của dịch bệnh Covid-19 (nCoV) đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và những đề xuất nhằm ứng phó tình hình dịch bệnh. Những kiến nghị trên sẽ được gấp rút báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ nhằm kịp thời tìm ra các giải pháp tháo gỡ giúp doanh nghiệp (DN) sớm ổn định sản xuất, giữ vững được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Trước đó một ngày, Hiệp hội DN Khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TP Hồ Chí Minh (HBA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó nêu rõ kiến nghị cần có giải pháp cấp bách vừa phòng, chống dịch bệnh vừa bảo đảm lưu thông được hàng hóa qua đường bộ và đường hàng không. Việc vận chuyển hàng hóa sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Được biết, chính HBA trước đó cũng đã nhận được kiến nghị của Chi hội DN khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (Chi hội SBA) về việc cho lưu thông vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam - Trung Quốc. “Việc thiếu hụt nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, việc đáp ứng đơn hàng đã lên kế hoạch cho quý I - 2020 sẽ bị đình trệ và một số lượng lớn người lao động sẽ thiếu việc làm trong tháng 2 và tháng 3 - 2020”, văn bản của Chi hội SBA nêu rõ. Cùng thời điểm này, HBA cũng ghi nhận phản ánh và kiến nghị khẩn cấp của đại diện cho hàng nghìn DN KCX-KCN và Khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Nếu không kịp thời giải quyết, sự thiếu hụt nguyên phụ liệu trực tiếp sẽ khiến sản xuất bị đình trệ, thậm chí ngưng sản xuất ngay trong kế hoạch ngắn hạn không chờ đến kế hoạch trung hạn. Lúc này, các nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng thay thế từ các nhà cung cấp khác đã được các DN tính đến, tuy nhiên, trên thực tế việc chuyển đổi không hề dễ dàng, chưa kể giá cả của các nguồn hàng mới đều cao hơn nhiều so với đối tác cũ.

Rõ ràng, để cân đối giữa phòng dịch và mục tiêu tăng trưởng vĩ mô, sẽ đòi hỏi các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát, đánh giá các tác động của dịch bệnh đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là đến các kịch bản tăng trưởng đã được xây dựng trước đó. Đây sẽ là cơ sở để có được những giải pháp, chính sách cần thiết đối phó với những hệ lụy sẽ có, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa có dự báo cụ thể về thời gian kết thúc và quy mô.

Chúng ta đã có những phản ứng nhanh nhạy, cần thiết trong phòng, chống dịch, nhờ thế vừa kiểm soát được công tác phòng, chống dịch, vừa bảo đảm hỗ trợ giải quyết hàng hóa ùn ứ, kịp thời đưa ra các gói hỗ trợ về lãi suất vay cho các DN thuộc lĩnh vực logistics, sản xuất và phân phối nông sản chịu tác động từ Covid-19. Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm trong việc thương thuyết và thực thi vận chuyển hàng hóa qua lại tại các cửa khẩu chính nhằm giải tỏa hàng hóa ùn ứ cục bộ… Đó sẽ là những kinh nghiệm cần thiết để ứng phó trong việc mở ra các kênh nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng hóa nguyên liệu sản xuất.

Tinh thần “Chống dịch như chống giặc” cần được cụ thể hóa một cách mạnh mẽ hơn nữa trong việc tìm kiếm giải pháp khả thi để vận hành guồng quay của sản xuất trong nước. Đó là con đường tất yếu để chúng ta đi qua cao điểm dịch mà vẫn bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng, ổn định phát triển kinh tế - xã hội.