Tạo nên hệ sinh thái số

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển 100.000 doanh nghiệp (DN) công nghệ số. Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo đề án Chiến lược quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ký trong năm nay.

Người dân dễ dàng tra cứu thông tin khách hàng dùng điện qua phần mềm giao dịch.
Người dân dễ dàng tra cứu thông tin khách hàng dùng điện qua phần mềm giao dịch.

Chuyện từ doanh nghiệp

Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về chuyển đổi số. Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Còn Microsoft cho rằng, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.

Như vậy, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, DN được nâng cao. Tuy nhiên, trên thực tế việc chuyển đổi số của các DN Việt cũng không đơn giản.

Ðơn cử câu chuyện từ Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), một trong những DN lớn đi tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số. Kể từ cuối năm 2018, Tập đoàn này đã ra Quyết định số 290/QÐ-EVN phê duyệt Ðề án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN. Theo đó, tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng đều được số hóa nhằm mục đích đưa EVN thành tập đoàn hàng đầu trong khu vực. Công ty Viễn thông Ðiện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) được giao thực hiện đề án "Xây dựng doanh nghiệp số".

Sau những nỗ lực chuyển đổi, EVN là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã sử dụng thành công hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đồng thời là đơn vị duy nhất tính tới nay không phải là cơ quan cung cấp dịch vụ công, nhưng đã hoàn thành dịch vụ trực tuyến tương đương dịch vụ công cấp độ 4 - cấp độ cao nhất. Ðặc biệt, EVN còn là một trong những đơn vị đầu tiên được Chính phủ cho phép được góp mặt trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ngay từ giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm, thực chất việc chuyển đổi số rất phức tạp và cơ bản là không có đường đi định sẵn. Vì vậy, mỗi DN, tổ chức, phải tự tìm con đường riêng. Với EVN, hành trình chuyển đổi số được bắt đầu rất sớm, cách đây khoảng 20 năm, từ bước "đột phá" đầu tiên trong lĩnh vực Văn phòng điện tử. Nhưng chính việc chưa có lộ trình chuyển đổi số tổng thể cũng khiến công tác triển khai gặp không ít khó khăn. Tồn tại nhiều khái niệm khác nhau về DN chuyển đổi số càng khiến cho DN lúng túng. Ðiều đáng nói, nguồn lực hiện tại và chức năng nhiệm vụ của EVNICT chỉ có thể đảm nhiệm được quá trình "chuyển đổi công nghệ", còn các nội dung liên quan tới "chuyển đổi quy trình" và "chuyển đổi con người, văn hóa" cần sự tham gia mạnh mẽ của các đơn vị trong cả EVN.

Như vậy, mấu chốt để chuyển đổi thành công đòi hỏi DN phải có quyết tâm, sự tập trung cao độ, bền bỉ trong khoảng thời gian dài cũng như có sự đầu tư nguồn lực cần thiết. Ðối với một tập đoàn lớn việc chuyển đổi còn đặt ra nhiều vấn đề như vậy, nhìn rộng ra trên phạm vi cả nước sẽ thấy quá trình chuyển đổi số không thể thiếu được vai trò quan trọng của "bà đỡ" chính sách.

Sáu nhóm giải pháp đột phá

Ðược xác định là lực lượng thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, DN công nghệ số đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ. Trong xu thế ấy, dự thảo Chiến lược quốc gia về DN công nghệ số Việt Nam đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ đưa ra giải pháp có tính hệ thống, đột phá mang tính đặc thù, huy động nguồn lực của toàn xã hội để khai thác điểm mạnh, tận dụng cơ hội phát triển DN công nghệ số Việt Nam. Theo dự thảo, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có 70.000 DN công nghệ số với 1,2 triệu nhân lực trong lĩnh vực này. Doanh thu của DN công nghệ số Việt Nam tăng trưởng bình quân bằng 1,5 - 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Giá trị xuất khẩu của các DN này tăng trưởng bình quân từ 10 đến 20%/năm. Tỷ lệ sản phẩm công nghệ số của Việt Nam được phát triển dựa trên các công nghệ chủ chốt từ cuộc CMCN 4.0 chiếm 30 - 40%. Chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 3 khu vực ASEAN và top 70 trên thế giới...

Mục tiêu đặt ra, đến năm 2030, Việt Nam có 100.000 DN công nghệ số; 1,5 triệu nhân lực công nghệ số. Doanh thu DN công nghệ số Việt Nam tăng trưởng bình quân từ 2 đến 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Giá trị xuất khẩu của DN công nghệ số Việt Nam tăng trưởng bình quân từ 20 đến 30%/năm. DN công nghệ số Việt Nam đóng góp 20% tăng trưởng GDP; 50% cho tăng năng suất lao động quốc gia và 70% tăng trưởng kinh tế số. Tỷ lệ sản phẩm công nghệ số của Việt Nam được phát triển dựa trên các công nghệ chủ chốt từ cuộc CMCN 4.0 chiếm 40-50%. Xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 2 khu vực ASEAN và top 50 trên thế giới.

Ðể đạt được mục tiêu trên, Bộ TT&TT đã đề xuất sáu nhóm giải pháp chính. Trước hết là hoàn thiện cơ chế chính sách, kiến tạo môi trường phát triển cho DN công nghệ số Việt Nam. Tiếp đó là đẩy mạnh năng lực nghiên cứu công nghệ số trong đó DN là lực lượng tiên phong; hỗ trợ hiệu quả, tạo lập thị trường năng động cho DN công nghệ số; phát triển ngành công nghiệp dữ liệu và hệ sinh thái công nghệ số; đổi mới mô hình phát triển nhân lực và phương thức sử dụng lao động chuyên ngành công nghệ số; hình thành các định hướng phát triển đột phá thông qua các nhiệm vụ, dự án của Chính phủ có tác động lan tỏa đến cộng đồng DN công nghệ số.

Dự thảo cũng nêu rõ, Việt Nam cần tập trung phát triển bốn loại hình DN công nghệ số gồm: phát triển công nghệ cốt lõi, phát triển sản phẩm công nghệ số, triển khai giải pháp công nghệ số và khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số.

Các DN công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược "Make in Vietnam". DN Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới.

VŨ MINH