Tăng chế tài phá “kỷ lục”?

Nếu như năm 2018, thị trường chứng khoán (TTCK) ghi nhận “kỷ lục” khi xử phạt 5,1 tỷ đồng với chín cá nhân vì thao túng giá cổ phiếu, thì chỉ ba tháng đầu năm nay, đã có ít nhất ba cá nhân bị xử phạt cũng vì tội trên với số tiền hơn 1 tỷ đồng…

Điều đáng nói, các cá nhân này đều chỉ bị xử lý hành chính với trát phạt gần kịch khung mà chưa phải khắc phục hậu quả. Dù đã có một vài trường hợp bị truy cứu hình sự nhưng tần suất xảy ra hiện tượng trên vẫn tăng.

Hơn hai năm trước, Bộ Tài chính đã nhận ra “chiếc áo pháp lý” không còn vừa với TTCK trên nhiều góc độ. Thị trường ngày càng phình to với sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp, hàng triệu nhà đầu tư. Thị trường càng rộng mở thì vi phạm thao túng, làm giá cổ phiếu lại càng lớn. Thực tế này khiến Bộ Tài chính phải nhanh chóng xây dựng Luật Chứng khoán “mới” để tạo nên bước ngoặt trong quy định xử phạt tội thao túng và các hành vi liên quan. Bộ Tài chính khẳng định, nếu không giải quyết hiện tượng trên thì một trong các mục tiêu của Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2020 sẽ không đạt được.

Có thể thấy, UBCK đã ban hành hàng trăm quyết định xử phạt. Nhưng có vẻ, những quyết định vẫn chưa “chạm” đến nỗi sợ của người chơi chứng khoán. Bởi, cả người “làm luật” và người “chơi luật” đều nhận ra, thẩm quyền của UBCK còn hạn chế. Mức phạt chưa đủ nặng, thậm chí còn không đủ “răn đe”, chứ chưa nói đến việc ngăn chặn ý định tái phạm.

Được biết, tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi chuẩn bị trình ra Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới, Ban soạn thảo đề xuất tăng mức phạt tiền lên tối đa 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm trên TTCK, đồng thời tăng áp dụng các chế tài xử phạt bổ sung. Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thẩm quyền cho UBCK trên mọi phương diện, tăng mức xử phạt hành chính, tịch thu toàn bộ số lợi bất hợp pháp thu được của các cá nhân, tổ chức vi phạm. Thậm chí, Luật mới áp dụng các biện pháp đình chỉ/cấm giao dịch; cấm tham gia thị trường, cấm huy động vốn, cấm đảm nhận chức vụ tại mọi doanh nghiệp... của người vi phạm.

Nhưng mọi thay đổi phải dựa vào thực tiễn. Khi mà quy mô và trình độ thao túng của người chơi ngày càng lão luyện thì chế tài xử phạt cũng cần phải “tinh tường” theo. Nên chăng, cần xem xét tăng nặng hơn nữa các mức xử phạt (cả hành chính và hình sự) để thật sự có tính ngăn ngừa, để không còn những “kỷ lục” cả về số quyết định phạt cũng như số tiền phạt đối với những trường hợp vi phạm!