Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Tái khởi động vẫn... tắc

Đã có nhiều giải pháp được triển khai để kịp chạy đua tiến độ thời gian thông xe tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (TLMT) trong năm 2020 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, sau hơn ba tháng thực hiện, đến nay dự án vẫn triển khai cầm chừng do việc giải ngân vốn chưa được tháo gỡ.
Dự án hiện hoàn thành 25% khối lượng thi công.
Dự án hiện hoàn thành 25% khối lượng thi công.

Nỗ lực thúc đẩy tiến độ dự án

Bắt đầu khởi công từ tháng 11-2009, dự án đường cao tốc TLMT có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam. Tuy nhiên, sau 10 năm thi công, dự án gặp rất nhiều sự cố nên phải đình trệ kéo dài: hai lần thay đổi nhà đầu tư, ba lần thay đổi vốn đầu tư, bốn lần lùi thời hạn hoàn thành... Sự mong mỏi của hơn 20 triệu người dân ĐBSCL về tuyến đường cao tốc này trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Anh Phạm Thanh Hùng, một lái xe thường chạy tuyến Tiền Giang đi TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL cho biết: “Từ nhiều năm nay, người dân chờ đợi đường cao tốc TLMT hoàn thành để việc đi lại được nhanh hơn. Nhưng chờ mãi mà đường không xong. Trong khi tuyến Quốc lộ 1 về các tỉnh miền Tây thường xuyên bị ùn tắc, nhất là những ngày cuối tuần hay những dịp lễ, Tết do cầu, đường hẹp, phương tiện giao thông lại tăng nhanh”.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18-3-2019 và số 272/TB-VPCP ngày 2-8-2019 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn của dự án đường cao tốc TLMT, nhà đầu tư đã chủ động làm việc với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Thuế để rà soát các tồn tại trước đây của dự án và tham vấn ý kiến để khắc phục, điều chỉnh; Bàn giao Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sang UBND tỉnh Tiền Giang; Ký kết Phụ lục hợp đồng số 02 ngày 8-5-2019 với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh lãi suất ngân hàng phù hợp với Thông tư 88/2018/TT-BTC. Tiếp đó, trong các ngày 2-8-2019 và 9-8-2019, trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước và ý kiến thẩm định của Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt điều chỉnh dự án và ký kết phụ lục hợp đồng điều chỉnh dự án với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Đến nay, nhà đầu tư đã huy động góp vốn chủ sở hữu và đưa vào dự án 2.500 tỷ đồng, ứng trước chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) cho tỉnh Tiền Giang để triển khai. Dự án hiện đã hoàn thành 25% khối lượng, ba tháng qua đã tăng hơn 10% so với khối lượng thực hiện trong 10 năm. Riêng công tác đền bù giải phóng mặt bằng,UBND tỉnh Tiền Giang đã bàn giao 50,77/51,1 km (99,35%) diện tích đền bù giải tỏa. Hiện chỉ còn 6/3.292 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường. Tỉnh Tiền Giang đã trích ngân sách địa phương gần 300 tỷ đồng để đền bù, giải tỏa các hộ dân. “Với quyết tâm của địa phương nhằm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao đất còn lại cho doanh nghiệp dự án trong những ngày tới, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức làm việc với Ngân hàng Nhà nước, đại diện các ngân hàng tài trợ dự án và doanh nghiệp để sớm tháo gỡ các vướng mắc về vốn”, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng nhấn mạnh.

Vẫn tắc do vốn

Tuy đã có những nỗ lực từ tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án, nhưng sau hơn ba tháng tái khởi động, dự án vẫn gặp rất nhiều khó khăn do việc xác định nguồn vốn cho dự án từ ngân sách Nhà nước chưa được Quốc hội thông qua và vốn tín dụng từ các ngân hàng còn đang trong quá trình xem xét thẩm định cho vay.

Về nguồn vốn ngân sách Nhà nước, được biết Chính phủ đã có các tờ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội thông qua 2.186 tỷ đồng hỗ trợ dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018, nhưng đến nay chưa có ý kiến chấp thuận nên chưa thể xác định được kế hoạch bố trí vốn, thời gian giải ngân vốn, làm cơ sở bảo đảm phương án tài chính của dự án, phương án vay vốn. Ngày 15-8-2019, Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình UBTV Quốc hội phương án phân bổ nguồn vốn cho dự án TLMT. Dự kiến nội dung này, UBTV Quốc hội sẽ họp và quyết định tại kỳ họp tháng 9.

Việc khơi thông nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đến tín dụng rất quan trọng, có tính chất then chốt nhằm xác định khả năng thực hiện dự án thông được tuyến trong năm 2020, hoàn thành đưa vào sử dụng đường cao tốc TLMT trong năm 2021. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ “phải cơ bản thông xe cao tốc TLMT trong năm 2020”, theo đó, thời gian chỉ còn hơn một năm, trong khi khối lượng công việc còn lại rất nhiều. Trong khi chờ đợi việc phê duyệt nguồn vốn, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT TLMT cho biết: “Chúng tôi đã tính toán thời gian xử lý nền đất yếu, lường trước khó khăn của việc vận chuyển vật liệu... nên đã lên kế hoạch cho từng tháng, thậm chí từng ngày phải làm được khối lượng việc ra sao mới kịp... Chúng tôi chờ đợi UBTV Quốc hội phê duyệt nguồn vốn ngân sách mà Chính phủ trình lúc nào thì ngay lập tức lúc đó tất cả đồng loạt triển khai”.

Mới đây, ngày 27-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang. Tại đây, Phó Thủ tướng đi khảo sát công trường dự án đường cao tốc TLMT và chỉ đạo sớm tháo gỡ khó khăn về vốn cho dự án. Đặc biệt Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại nhanh chóng vào cuộc, cùng với UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư… thương thảo, tháo gỡ ách tắc tiến tới ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho dự án; Bộ GTVT phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương và địa phương chung tay xử lý vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án thi công nhanh, sớm về đích vào năm 2021.